Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

Cầu Giấy - Hà Nội: Mở cửa ra ngách đi chung phù hợp sẽ không phải xin phép

Cầu Giấy - Hà Nội: Mở cửa ra ngách đi chung phù hợp sẽ không phải xin phép

Báo tài nguyên và môi trường (ngày 16/3/2018) – Luật sư Nguyễn Doãn Hùng nhận định, ngách là lối đi công cộng không thuộc quyền sử dụng riêng của các hộ dân trong hẻm. Việc cơ quan chức năng cấp phép cho một hộ dân tách thửa, trổ cửa phù hợp với quy định thì không nhất thiết phải xin phép hay được sự đồng ý của các hộ trong ngách.

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin về việc bà Nguyễn Thị Na (trú tại số nhà 20, ngõ 123 Nguyễn Khăng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cõng đơn kêu cứu các cơ quan chức năng xin mở cửa ra ngách đi chung với 2 gia đình số 18A và 18B nhiều năm nhưng chưa có kết quả.

Theo đơn kêu cứu của bà Na, gia đình bà xây dựng 2 ngôi nhà trên mảnh đất 100 m2 tại địa chỉ số nhà 20, ngõ 331 Nguyễn Khang cho các con nhưng chưa tách thửa và sang tên. Trong đó, một ngôi nhà được xây dựng từ năm 1992, có diện tích 36 m2 nhưng chưa có lối đi, nên gia đình bà Na muốn mở một cửa cho ngôi nhà này sang phía tiếp giáp với con đường chung với 2 gia đình số 18A của gia đình ông Ngô Minh Độ và 18B của gia đình bà Nguyễn Thị Dung.

Tuy nhiên, gia đình bà Na bị 2 gia đình nhà ông Độ và ông Trung phản đối, cản trở không cho thực hiện với lý do phía cửa nhà bà Na muốn mở lại hướng vào con đường đi chung của 2 gia đình trên.

Theo tìm hiểu của PV, UBND phường Yên Hòa đã từng ra văn bản yêu cầu gia đình bà Na nếu muốn mở cửa thì phải thỏa thuận với 2 gia đình còn lại, nếu đồng ý thì sẽ được mở cửa.

Trao đổi với PV, bà Na cho biết: “Vào cuối năm 2017, phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cầu Giấy có mời tôi lên làm việc, tuy nhiên nội dung giải quyết mập mờ, không rõ ràng trong việc tôi có được phép mở hay không”.

Để làm rõ những thắc mắc của bà Nguyễn Thị Na, PV Báo Tài Nguyên và Môi trường đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND phường Yên Hòa và UBND quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, nhiều ngày nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía các cơ quan này.

Trước đó, liên quan đến vụ việc này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường cũng đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Dung - gia đình nhà số 18A, ngõ 331 Nguyễn Khang (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).

Theo đó, bà Dung cho biết: “Gia đình tôi mua ở đây từ những năm 1985, ngõ này là ngõ riêng của mảnh đất này từ lâu. Năm 1992, con ngõ này đã được gia đình tôi tôn tạo, đổ xi măng, đến năm 2000 thì gia đình tôi xây gạch. Vào năm 2013, gia đình ông Độ đã lát gạch đỏ như hiện trạng bây giờ”.

“Trong sổ đỏ gia đình không thể hiện có con ngõ là bởi vì khi mua đất thì chỉ mua đất, có ai lại đi mua ngõ bao giờ. Nhưng con ngõ này, gia đình đã sử dụng từ rất lâu, chứ không phải mới”.

“Việc gia đình nhà bà Na muốn mở cửa ra cùng phía với 2 gia đình tôi và gia đình ông Độ là muốn tách thửa cho ngôi nhà phía trong, giáp với gia đình tôi. Phía ngoài có ngôi nhà mới xây, đã có mặt tiền của con ngõ 331 Nguyễn Khang khá lớn, nhưng lại không để lại phần đất chừa ra cho ngôi nhà phía trong để làm ngõ đi. Nên mới có chuyện bà Na muốn mở cửa ra cùng phía ngõ riêng của 2 gia đình”, bà Dung chia sẻ.

Bà Dung cũng lý giải sở dĩ nguyên nhân mà gia đình bà và gia đình ông Độ phản đối không cho gia đình bà Na mở cửa ra đi chung ngõ là bởi hiện đã có 2 gia đình đi chung con ngõ và nếu thêm 1 gia đình nữa sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt, bất tiện cho 2 nhà sinh sống ở phía trong như việc để xe cộ phía trong sẽ không có lối đi, rồi nhiều vấn đề khác.

“Gia đình bà Na cũng chưa hề bàn bạc hay thỏa thuận gì với 2 gia đình số 18A và 18B Nguyễn Khang về việc mở cửa ngôi nhà phía trong đi cùng ngõ, mà từ khi lấy sổ đỏ, bà Na tự ý mở cửa rồi bị chính quyền địa phương ngăn chặn”, bà Dung nói thêm.

Phân tích vấn đề pháp lý về sự việc này, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Giám đốc Công ty luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Bộ Luật dân sự 2015 quy định quyền về lối đi qua và trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề. Cụ thể:

Tại Khoản 1 điều 254 quy định về quyền về lối đi qua:

Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Điều 178. Trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề.

“1. Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Mặt dưới mái che trên cửa ra vào, mặt dưới mái che cửa sổ quay ra đường đi chung phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên.”

Bên cạnh đó, ngày 03/04/2008, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD về việc ban hành quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng, Quy chuẩn này thay thế phần II của quy chuẩn xây dựng ban hành kèm Quyết định số 682/BXD-CSXD năm 1996 nên về việc trổ cửa sổ theo nguyên tắc vẫn phải áp dụng Quy chuẩn xây dựng ban hành kèm Quyết định số 682/BXD-CSXD năm 1996 của Bộ Xây Dựng.

Cụ thể, theo quy định của Điều 7 Quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì: “Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa sổ, lỗ thông hơi, lỗ thông gió theo quy định sau:

Khoản 8 Điều 12 Luật xây dựng 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm: " Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình."

Theo điểm 1, khoản 7.12.2, Điều 7.12 quy chuẩn xây dựng Việt Nam, phần quy định về kiến trúc đô thị thì:

“Từ tầng hai trở lên, trên các bức tường cách ranh giới đất với công trình bên cạnh không được mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi (chỉ được mở các cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi trên các bức tường cách ranh giới đất với nhà bên cạnh ít nhất 2 m). Khi mở cửa cần có biện pháp tránh tia nhìn trực tiếp vào nội thất nhà bên cạnh.

Mép ngoài cùng của ban công trông sang nhà hàng xóm phải cách ranh giới đất giữa hai nhà ít nhất là 2m".

Theo Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, hiện chưa có quy định điều chỉnh chi tiết về việc trổ cửa đi, cửa phụ ra đường ngách công cộng.

Ngõ, ngách vốn là đường công cộng, là lối đi chung của người dân không những trong ngách mà còn của cả khách vãng lai. Những căn nhà giáp ngách, đường tuy không có cửa trổ ra nhưng cũng bị ảnh hưởng của quy hoạch lộ giới, hẻm giới, bị ảnh hưởng tiếng ồn từ những hoạt động trong ngách...

Vì vậy, quyền được trổ cửa ra hẻm của chủ nhà cần được xem xét một cách công bằng. Nếu như chủ nhà muốn trổ cửa thỏa thuận được với những hộ khác trong ngách thì rất tốt, cơ quan chức năng nên cho phép họ trổ cửa không cần những điều kiện khác. Tuy nhiên việc quy định phải có sự đồng ý của các hộ dân trong ngách là rất khó, chủ quan và tùy nghi, chưa kể “chín người mười ý”, cho nên rất cần phải có một văn bản quy định điều kiện chung để áp dụng.

''Ngách là lối đi công cộng chứ không thuộc quyền sử dụng riêng của các hộ dân trong hẻm. Việc cơ quan chức năng cấp phép cho một hộ nào đó tách thửa, trổ cửa phù hợp với quy định thì hộ được trổ cửa không nhất thiết phải xin phép hay được sự đồng ý của các hộ trong ngách'', Luật sư Hùng nhận định.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

Đức Mậu

Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/cau-giay-ha-noi-mo-cua-ra-ngach-di-chung-phu-hop-se-khong-phai-xin-phep-1250498.html



Gọi ngay

Zalo