Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

10 sự kiện liên quan đến luật sư và nghề luật sư Việt Nam tiêu biểu năm 2017


LSVNO - Việc LĐLSVN và Tạp chí Luật sư Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động báo điện tử số 164/GP-BTTTT ngày 20/4/2017 và đi vào hoạt động không chỉ cho thấy sự quan tâm, ghi nhận của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác truyền thông pháp luật, mà còn góp phần tạo điều kiện để giới luật sư Việt Nam thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ công lý, tích cực tuyên truyền thúc đẩy cải cách tư pháp, tăng cường thông tin trao đổi nghiệp vụ, phản biện xã hội.

1 - Quốc hội thông qua Bộ Luật hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

Quang cảnh kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Internet.

Tại phiên họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ Luật hình sự (sửa đổi) 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) 2015. Đây là hai bộ luật hết sức quan trọng, trước đó đã được Quốc hội thông qua vào năm 2015 nhưng do phát hiện có những sai sót trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nên ngày 29/6/2016 Quốc hội đã có Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và Bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Những sai sót của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ban đầu do các luật sư phát hiện ra.

Điều đáng nói là trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2015 đã có nhiều quy định mới, như giảm bớt đối với các tội danh chịu mức án tử hình, quy định nhiều điểm có lợi hơn dành cho bị can, bị cáo… so với quy định trước đó. Đặc biệt, về Điều 19 Không tố giác tội phạm khi dự thảo đưa ra đã gây nhiều tranh cãi trong giới luật sư và cộng đồng.

Đối với Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) 2015 đã có nhiều nội dung được sửa đổi theo tinh thần Hiến pháp 2013. Theo đó, nhiều điểm mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) 2015 góp phần nâng cao vai trò của luật sư, như như: bổ sung các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa; thay thế thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa bằng thủ tục đăng ký bào chữa; luật sư được thu thập và cung cấp chứng cứ...

Các bộ luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.

2 - Nhà nước bồi thường oan sai hơn 32,8 tỷ đồng trong năm 2017

Các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), người mang án "tử tù" oan sai hơn 40 năm. Đây là một trong những vụ án oan sai tiêu biểu do các luật sư đã tích cực vào cuộc giải quyết, tìm ra sự thật.

Báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Chính phủ về công tác bồi thường nhà nước năm 2017 cho biết, từ ngày 1/10/2016 – 30/9/2017, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 109 vụ việc, trong đó có 54 vụ việc thụ lý mới, đã giải quyết xong 40/109 vụ việc, đạt tỷ lệ 36,6% (giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2016) với số tiền nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là hơn 29,1 tỷ đồng, còn lại 69 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Bên cạnh đó, TAND các cấp đã thụ lý giải quyết 23 vụ án dân sự, đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường với 13 vụ án thụ lý mới. Đã giải quyết xong 9 vụ, với số tiền nhà nước phải bồi thường hơn 3,6 tỷ đồng, còn 14 vụ đang tiếp tục giải quyết.

Như vậy, tổng số tiền nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là 32,8 tỷ đồng - giảm 20,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo Bộ Tư pháp, năm 2017, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và thực hiện cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường đối với 19 hồ sơ, với tổng số tiền cấp phát là hơn 16,5 tỷ đồng. Trong khi đó, cơ quan chức năng đã xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công chức làm sai với 9 vụ việc, với tổng số tiền là hơn 166 triệu đồng.

Đáng nói là, số kinh phí này phần lớn là dành để bồi thường trong các vụ án hình sự oan sai đã được phát hiện và xử lý trước đó với sự phát hiện và trợ giúp tích cực, hiệu quả từ các luật sư.

3 - Luật sư được bỏ cấp “giấy phép” khi bào chữa và ngồi ngang hàng kiểm sát viên tại tòa

Theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC, luật sư và đại diện viện kiểm sát ngồi ngang hàng tại tòa khi xét xử.

Điều 78 Luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) 2015 quy định: Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ tương ứng với từng loại đối tượng tham gia bào chữa. Theo đó, luật sư chỉ cần xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện hoặc của người thân thích của người bị buộc tội, thay vì phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận người bào chữa tại các cơ quan tiến hành tố tụng được cho là nhiêu khê trước đó.

Ngày 28/7/2017, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ký ban hành Thông tư 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án với nội dung chính là luật sư ngồi “ngang hàng” với kiểm sát viên. Theo đó, cùng với quy định về một số điểm mứi trong phòng xử án, việc bố trí chỗ ngồi của đại diện viện kiểm sát và luật sư tại phiên tòa là ngang nhau. Đây là vấn đề đã gây không ít tranh cãi với nhiều quan điểm trái chiều.

Với Thông tư 01, việc thống nhất bố trí chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư ngang nhau sẽ thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, qua đó góp phần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

4 - Lần đầu tiên Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nữ Phó Chủ tịch.

Các thành viên Ban Thường trực LĐLSVN và đại biểu khách mời chúc mừng tân Phó Chủ tịch LĐLSVN Nguyễn Thị Quỳnh Anh (áo đỏ, đứng giữa).

Sáng 23/12/2017, tại phiên họp thứ VI (Nhiệm kỳ II) diễn ra tại Hà Nội, Hội đồng Luât sư toàn quốc Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã bầu thêm 01 Phó chủ tịch LĐLSVN.

Với kết quả 59/70, chiếm 84% trong tổng số phiếu bầu của các đại biểu có mặt, LS Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tài chính LĐLSVN đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch LĐLSVN nhiệm kỳ II.

Như vậy, qua hai nhiệm kỳ, đây là lần đầu tiên LĐLSVN có một nữ luật sư đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch. Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh sinh năm 1959 – Trước khi được bầu làm Phó Chủ tịch LĐLSVN là thành viên Đoàn luật sư TP. Hà Nội, hiện là Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tài chính LĐLSVN, Giám đốc Công ty Luật InvestPro.

Đến nay, cùng với các luật sư: Phan Trung Hoài, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Trung, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh là Phó Chủ tịch thứ 4 trong nhiệm kỳ II của LĐLSVN.

5 - Khai trương Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

TS. LS Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch LĐLSVN trao Giấy phép hoạt động Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam cho Tổng biên tập Nguyễn Minh Tâm tại Lễ khai trương.

Sáng 17/5/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai trương Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam.

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới về công tác tuyên truyền của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) và đội ngũ luật sư Việt Nam. Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam ra đời là niềm mong mỏi của đội ngũ luật sư Việt Nam trong việc cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, đa dạng về các hoạt động của LĐLSVN và hoạt động nghề nghiệp giới luật sư, đồng thời phản ánh những vấn đề nóng trong cộng đồng xã hội góp phần đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh và an toàn xã hội.

Trước đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam được thành lập từ tháng 3/2014, là cơ quan báo chí đầu tiên thuộc LĐLSVN hoạt động với tôn chỉ, mục đích tuyên truyền chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước; trao đổi nghiệp vụ, thông tin về hoạt động nghề nghiệp của luật sư; đăng tải các bài lý luận khoa học, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của LĐLSVN và là diễn đàn của giới luật sư Việt Nam; cung cấp những kinh nghiệm quản lý, các vấn đề kinh tế - xã hội đến bạn đọc trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của giới luật sư Việt Nam.

Việc LĐLSVN và Tạp chí Luật sư Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động báo điện tử số 164/GP-BTTTT ngày 20/4/2017 và đi vào hoạt động không chỉ cho thấy sự quan tâm, ghi nhận, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác truyền thông, mà còn góp phần tạo điều kiện để giới luật sư Việt Nam thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ công lý, tích cực thúc đẩy cải cách tư pháp, tăng cường thông tin trao đổi nghiệp vụ, phản biện xã hội.

6 - Luật sư tham gia tháo “ngòi nổ” trong vụ đất đai ở Đồng Tâm

19 cán bộ, chiến sĩ bị giữ từ ngày 15/4 được ra về trong từng tràng pháo tay của người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Internet

Xuất phát từ việc người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho rằng khu Miếu Môn là đất nông nghiệp cha ông để lại, còn chính quyền khẳng định đó là đất quốc phòng. Sự việc bùng phát ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng của nhiều người dân dẫn đến 38 công an, cán bộ bị giữ. Với sự tham gia giải quyết, đối thoại, đưa ra các cam kết của chính quyền và các tổ chức, cá nhân, sau đó các cán bộ, chiến sỹ đã được thả, chấm dứt khủng hoảng, giải quyết điểm nóng Đồng Tâm, được dư luận cả nước đánh giá cao. Trong vụ việc này đã có nhiều luật sư tham gia tư vấn, giúp người dân hiểu hơn về chính sách, pháp luật của nhà nước và tích cực làm cầu nối giữa chính quyền và người dân, góp phần giải quyết vụ việc kéo dài rất phức tạp liên quan đến tình hình an ninh trật tự.

7 - Lần đầu tiên ở Việt Nam, một (cựu) Ủy viên Bộ Chính trị hầu tòa và nhờ 3 luật sư bào chữa

Bị cáo Đinh La Thăng trong những ngày bị xét xử. Ảnh: Internet

Ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (sau này là Hội đồng Thành viên) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Kinh; nguyên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.

Ngay từ giai đoạn điều tra ông Thăng đã mời 3 luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình, đó là các luật sư: Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam), Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), Đào Hữu Đăng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Từ ngày 8-22/1, TAND TP. Hà Nội đã đưa bị cáo Đinh La Thăng cùng 21 bị cáo khác ra xét xử tội “Cố ý làm trái các quy định Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”. Ngày 22/1, bị cáo Đinh La Thăng bị HĐXX tuyên phạt 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

8 - Vụ án có nhiều người được triệu tập nhất cùng với sự tham gia của 70 luật sư

Bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: Internet.

Đây là một trong những “đại án” do TAND TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm từ ngày 8/01/2018 đối với bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây Dựng- VNCB) và các đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng này. Để chuẩn bị cho phiên xét xử này, trước đó, ngoài 46 bị cáo bị xét xử, TAND TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành triệu tập hơn 200 người làm chứng, liên quan và đã cấp giấy cho 70 luật sư tham dự phiên tòa kéo dài hơn 1 tháng này.

Hàng loạt "đại gia" có liên quan trong vụ án cũng đã được triệu tập đến tòa như bà Hứa Thị Phấn (cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín); ông Trần Quý Thanh (giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát); bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh); ông Trần Bắc Hà (nguyên trưởng Phân Ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy Ban quản lý rủi ro ngân hàng BIDV)… Ngoài ra, trong vụ án này có 140 người có liên quan đến hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và các đồng phạm nhưng không cấu thành tội phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị xử phạt hành chính và xử lý kỷ luật các cá nhân này thật nghiêm khắc.

9 - 60 luật sư nhận bào chữa miễn phí cho một bị cáo

Luật sư tham gia xét hỏi bị cáo Tuyết. Ảnh: Internet.

Ngày 12/12/2017, TAND tỉnh Tiền Giang đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 bị cáo Trần Thị Tuyết (34 tuổi, ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) bị cáo buộc phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bà Tuyết làm thủ quỹ cho Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ Bảo Định (trước đó tên là Công ty Thiên Long) đến tháng 4/2013 thì xin nghỉ. Công ty đối chiếu sổ sách thì phát hiện bị thất thoát, Tuyết cho rằng phải trả các khoản nợ khi chuyển đổi công ty nên số tiền quỹ bị âm. Khi kiểm quỹ, bà Tuyết chỉ báo cáo số liệu tồn quỹ tiền mặt thực tế và kiểm đếm tiền mặt, không đối chiếu sổ sách kế toán. Từ đó cáo trạng cáo buộc Tuyết đã chiếm đoạt của Công ty Bảo Định hơn 732 triệu đồng. Bà Tuyết bị bắt tạm giam từ tháng 5/2014, trong khi đang nuôi con nhỏ, chồng thì mất do bị tai nạn giao thông.

Tháng 8/2015, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm lần 1 đã phạt Tuyết 12 năm tù, buộc phải bồi thường 732 triệu đồng cho bị hại. Bà Tuyết kháng cáo kêu oan. Đầu năm 2016, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xử phúc thẩm hủy án yêu cầu làm rõ nhiều nội dung…

Cho rằng bà Tuyết bị oan nên trước khi phiên tòa xét xử sơ thẩm do TAND tỉnh Tiền Giang mở vào ngày 12/12/2017, có đến 60 luật sư đăng ký bào chữa miễn phí và có 37 luật sư được tòa chấp nhận. Phiên tòa diễn ra từ ngày 12 -19/12/2017, ngày 22/12, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Trần Thị Tuyết (33 tuổi, ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) và tiếp tục tạm giam bị cáo Tuyết cho đến khi VKSND tỉnh Tiền Giang thụ lý lại vụ án.

Có thể nói, đây là vụ án có nhiều luật sư bào chữa nhất cho một bị cáo từ trước đến nay ở Việt Nam.

10. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, luật sư bị doanh nghiệp kiện đòi bồi thường 82 tỷ đồng

Nhiều khách hàng vẫn đang “mắc kẹt” bởi dự án ALMA. Ảnh: Internet.

Ngày 14/8, TAND TP. Nha Trang, Khánh Hòa cho biết đã thụ lý vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Công ty ALMA) và Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Trước đó, ngày 3/8/2017, Công ty ALMA có thông cáo báo chí cho biết đơn khởi kiện của Công ty này cho rằng Luật sư Tú đã đưa ra các nhận định sai lệch về dự án và mô hình kinh doanh đang được triển khai khiến công ty bị thiệt hại. Công ty ước tính tổng thiệt hại thực tế đã xảy ra là hơn 82 tỷ đồng, bao gồm chi phí hạn chế, khắc phục thiệt hại, phục hồi uy tín và danh dự của công ty; thiệt hại về doanh thu, thu nhập bị mất, giảm sút…

Ngay sau khi thông tin này được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng lập tức khiến dư luận chú ý với những ý kiến nhiều chiều. Hầu hết luồng dư luận đều cho rằng, việc ALMA khởi kiện như vậy là hoàn toàn không có căn cứ vì luật pháp không cấm việc phát biểu, phân tích của Luật sư được đăng tải trên báo chí. Hơn nữa, bản thân Luật sư Trương Anh Tú đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho nhiều nạn nhân của ALMA nên việc đưa ra những góc cạnh phân tích hoàn toàn hợp lý.

Được biết, vừa qua UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao cho các cơ quan chức năng tỉnh này kiểm tra về cam kết tiến độ thực hiện dự án AIMA tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Trường hợp dự án này tiếp tục vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định; đồng thời, thông tin, khuyến cáo rộng rãi cho người dân biết, nên tham vấn các cơ quan chuyên môn, các tổ chức hành nghề luật sư trước khi tham gia ký kết, nhằm tránh thiệt hại, rủi ro.

Liên quan đến vụ việc này, tuy Công ty TNHH ALMA cam kết với khách hàng sẽ hoàn thành dự án trong quý I/2018 nhưng hiện nay dự án đang rất chậm tiến độ. Nhiều khách hàng đặt tiền mua kỳ nghỉ tại dự án này đã có đơn kiện chủ đầu tư để đòi lại tiền.

Bảo Hương (thực hiện)

Nguồn: https://lsvn.vn/index.php/luat-su-va-cong-dong/hoat...



Gọi ngay

Zalo