Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

​Những vấn đề pháp lý cơ bản trong pháp luật hợp đồng mà bạn nên nắm rõ

Những vấn đề pháp lý cơ bản trong pháp luật hợp đồng mà bạn nên nắm rõ

Bộ luật Dân sự quy định những vấn đề chung về hợp đồng như khái niệm hợp đồng, giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng… còn các luật chuyên ngành thì chỉ quy định các vấn đề mang tính đặc thù của hợp đồng trong các lĩnh vực khác nhau. Do vậy, việc nhận diện được các loại hợp đồng cả ở góc độ lý luận lẫn thực tiễn để làm cơ sở xác định việc áp dụng pháp luật chuyên ngành, từ đó bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của các bên tham gia vào các hợp đồng này là một điều cần thiết. Vậy cần chú ý những vấn đề pháp lý nào trong pháp luật hợp đồng? Hãy cùng tìm hiểu qua bài tổng hợp dưới đây.

1. Khái niệm hợp đồng

Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy hợp đồng được hiểu là sự thể hiện ý chí của các bên bằng việc thoả thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ của các bên, xác định khi nào và trong điều kiện nào thì các quyền và nghĩa vụ này được xác lập, được thay đổi và chấm dứt. Các chủ thể tham gia hợp đồng có thể là cá nhân hoặc pháp nhân hoặc các loại chủ thể khác. Khách thể của hợp đồng chính là đối tượng của hợp đồng, có thể là tài sản, hàng hoá hoặc dịch vụ. Nguyên tắc quan trọng và được pháp luật bảo vệ là nguyên tắc tự do thoả thuận, bình đẳng và thiện chí trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng, không phân biệt mục đích của hợp đồng là kinh doanh thu lợi nhuận hay nhằm phục vụ cho tiêu dùng.

2. Hình thức hợp đồng

Hình thức của hợp đồng dân sự là phương tiện để ghi nhận sự bày tỏ ý chí chung của các bên chủ thể.

Tuỳ theo nội dung, tính chất của từng hợp đồng cũng như tuỳ thuộc vào sự tin tưởng lẫn nhau mà các chủ thể có thể lựa chọn một trong 3 hình thức: lời nói, văn bản, hành vi.

* Hình thức bằng lời nói:

- Áp dụng phổ biến nhất;

- Độ xác thực thấp nhất;

- Các bên chỉ cần thoả thuận miệng với nhau về nội dung cơ bản của hợp đồng hoặc mặc nhiên thực hiện những hành vi nhất định đối với nhau;

- Thường được áp dụng với các hợp đồng có giá trị nhỏ, các hợp đồng được thực hiện và chấm dứt ngay, các chủ thể có độ tin cậy lẫn nhau.

Ví dụ: các hợp đồng mua bán rau, thịt, cá, gạo … hoặc bố, mẹ con, anh, chị em, bạn bè cho nhau vay tiền …

* Hình thức bằng văn bản:

- Có độ xác thực cao nhất về nội dung thoả thuận của các bên;

- Thường được áp dụng đối với các hợp đồng có giá trị lớn, giao kết và thực hiện trong một thời gian dài, các chủ thể không có mối quan hệ quen biết với nhau.

- Hai loại văn bản:

+ Văn bản thường: chỉ cần có chữ ký của các bên, có đóng dấu để xác nhận chữ ký nếu chữ ký đó là của người đại diện cho pháp nhân tham gia vào giao kết hợp đồng.

+ Văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký: chính là văn bản thường nhưng có đóng dấu của phòng công chứng hoặc có đóng dấu chứng thực hoặc đăng ký. Đây là hình thức có giá trị chứng cứ cao nhất. Do đó, đối với những hợp đồng mà pháp luật không yêu cầu phải lập theo hình thức này nhưng để quyền lợi của mình được bảo đảm, các bên vẫn có thể chọn hình thức này để giao kết hợp đồng.

* Hình thức bằng hành vi:

- Đây là hình thức giản tiện nhất của giao dịch;

Ví dụ: mua nước ngọt bằng máy tự động, gọi điện thoại tại buồng điện thoại thẻ...

- Không cần có sự hiện diện đồng thời của tất cả các bên tại nơi giao kết;

- Ngày càng phổ biến ở những quốc gia có nền công nghiệp tự động hoá phát triển

3. Nội dung hợp đồng

Nội dung của hợp đồng dân sự là tổng hợp các điều khoản mà các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng đã thoả thuận. Ở tất cả các điều khoản nói trên, có những điều khoản mà ở hợp đồng này các bên không cần thỏa thuận nhưng ở một hợp đồng khác, các bên lại buộc phải thỏa thuận thì hợp đồng mới được coi là giao kết. Mặt khác, ngoài những nội dung cụ thể này, các bên còn có thể thỏa thuận để xác định với nhau thêm một số nội dung khác. Do đó, có thể phân chia các điều khoản trong nội dung của hợp đồng thành 03 loại: điều khoản cơ bản, điều khoản thông thường, điều khoản tùy nghi.

a. Điều khoản cơ bản

* Khái niệm: Các điều khoản cơ bản xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng, đó là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng.

* Đặc điểm:

- Là điều khoản chủ yếu của hợp đồng;

- Tuỳ từng loại hợp đồng mà có những điều khoản cơ bản khác nhau;

- Điều khoản cơ bản có thể do tính chất của hợp đồng hoặc do pháp luật quy định.

Ví dụ: Điều khoản về đối tượng là điều khoản cơ bản của các hợp đồng mua bán tài sản.

b. Điều khoản thông thường

Là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thỏa thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thỏa thuận.

Khi có tranh chấp về những nội dung này thì quy định của pháp luật sẽ là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

Ví dụ: Nếu trong hợp đồng vay các bên không thoả thuận về lãi suất thì khi xảy ra tranh chấp về lãi suất sẽ áp dụng lãi suất của ngân hàng nhà nước để giải quyết.

c. Điều khoản tuỳ nghi

- Điều khoản tuỳ nghi là Là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng tự ý lựa chọn và thỏa thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Thông qua điều khoản tùy nghi, bên có nghĩa vụ được phép lựa chọn một trong những cách thực nhất định để thực hiện hợp đồng, sao cho thuận lợi mà vẫn bảo đảm được quyền yêu cầu bên kia.

Ví dụ: các bên có thể thoả thuận cho phép bên có nghĩa vụ được lựa chọn một trong nhiều nơi để thực hiện nghĩa vụ giao vật.

- Hai loại điều khoản tuỳ nghi:

+ Tuỳ nghi lựa chọn: pháp luật đưa ra nhiều cách xử sự, các bên có thể lựa chọn một trong các cách xử sự đó.

+ Tuỳ nghi thoả thuận: các bên tự thoả thuận khác luật nhưng không trái luật.

4. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Theo quy định của Điều 401 Bộ luật dân sự thì hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết trừ trường có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, BLDS lại không quy định thế nào là "được giao kết hợp pháp", do đó phải áp dụng Điều 117 Bộ luật dân sự về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự vì hợp đồng là một trong những hình thức giao dịch dân sự.

Giao dịch dân sự được coi là có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Ngoài các điều kiện trên đây, nếu pháp luật quy định giao dịch phải được thể hiện bằng một hình thức cụ thể, ví dụ phải thể hiện bằng văn bản, thì hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch.

Như vậy, khi hợp đồng có đủ 3 điều kiện trên thì sẽ có hiệu lực trừ một số trường hợp mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải tuân theo một hình thức nhất định.

Quý bạn đọc xem và tải tài liệu đầy đủ tại: Các vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến pháp luật hợp đồng.

Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.

Trân trọng!

(Người viết: Phạm Duy Thắng/193; Ngày viết: 19/4/2022)


Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam.

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn

------------------------------------------------------------------------------

Bài viết liên quan:

- Tư vấn tổng hợp pháp luật về hợp đồng

- Hình thức của hợp đồng theo quy định mới nhất

- Tư vấn sửa đổi hợp đồng

- Những điều cần biết khi giao kết hợp đồng dân sự

- Thực hiện hợp đồng khi thỏa thuận không đầy đủ



Gọi ngay

Zalo