Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

HÀNH VI LÀM NHỤC NGƯỜI KHÁC TRÊN FACEBOOK CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ?

Cùng với tính mạng, sức khỏe thì danh dự, nhân phẩm của cá nhân cũng là một trong những đối tượng quan trọng hàng đầu được pháp luật hình sự bảo vệ. Các hành vi làm nhục người khác được thực hiện dưới rất nhiều hình thức và phổ biến hiện nay là thông qua các trang mạng xã hội đặc biệt là facebook. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, những thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân được đăng tải nhanh chóng, trên một diện rộng. Vậy cá nhân thực hiện hành vi làm nhục người khác thông qua mạng xã hội phải chịu trách nhiệm như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn tư vấn và giải đáp vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.

I. Cơ sở pháp lý

1. Bộ luật dân sự năm 2015;

2. Bộ luật hình sự năm 2015.

II. Nội dung tư vấn

1. Qui định của pháp luật về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm là quyền nhân thân của cá nhân được quy định tại Điều 34 BLDS năm 2015, theo đó danh dự, nhân phẩm của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm của mình.

Đối với những thông tin làm nhục, ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

2. Trách nhiệm của cá nhân khi thực hiện hành vi làm nhục người khác theo qui định của BLHS

Hành vi làm nhục người khác trên facebook hay dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bị xử lý theo qui định của pháp luật. Hành vi trên được đề cập tại Điều 155 BLHS về tội làm nhục người khác, theo đó làm nhục người khác được quy định là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Hành vi khách quan được thực hiện trong tội phạm trên là các hành vi có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Những hình thức biểu hiện của hành vi này rất đa dạng, có thể là những lời nói có tính chất thóa mạ, sỉ nhục, miệt thị hạ thấp danh dự, xúc phạm nhân phẩm như chửi bởi, nhạo báng... hoặc có thể là những cử chỉ, hành vi có tính chất bỉ ổi, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Những hành vi này có thể được thực hiện công khai trước mặt người bị xúc phạm hoặc có thể qua người khác để đến người này.

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, biết hành vi của mình là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Về hình phạt, theo qui định tại Điều 155, tùy theo mức độ thực hiện, người có hành vi làm nhục người khác có thể phải chịu một trong các khung hình phạt sau đây:

- Khung hình phạt cơ bản: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ (Phạm tội) đối với 02 người trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn (khi phạm tội);

+ (Phạm tội) đối với người đang thi hành công vụ: Đây là trường hợp người phạm tội có hành vi làm nhục người thi hành công vụ để cản trở người đó thi hành công vụ;

+ (Phạm tội) đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

+ Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

- Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: phạt tù từ 02 năm đến 05 năm, được quy định cho trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể là 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát.

Ngoài ra, hành vi làm nhục người khác có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đối với hành vi làm nhục người khác trên facebook thì người thực hiện có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm vì đã sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam về trách nhiệm của cá nhân khi thực hiện hành vi làm nhục người khác trên facebook. Chúng tôi hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Nguyễn Thị Lan Anh)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn


Xem thêm các bài viết liên quan:

Đòi tiền người thân của "con nợ" có phạm luật?

Hành vi che giấu tội phạm có bị xử lý hình sự?

Lừa đảo qua mạng bị xử lý như thế nào?



Gọi ngay

Zalo