Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) là chế định nhân đạo trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Áp dụng đúng chế định này có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội.

1. Khái niệm và cơ sở pháp lí của chế định miễn TNHS

Miễn trách nhiệm hình sự là trường hợp một người đã thực hiện tội phạm nhưng do đáp ứng các điều kiện nhất định mà không phải chịu hậu quả của việc thực hiện tội phạm đó.

Cơ sở của miễn TNHS cũng xuất phát từ cơ sở của TNHS, tức là hành vi phạm tội của người phạm tội, song do có những điều kiện mà luật định để có thể được miễn TNHS nên người phạm tội trong trường hợp đó được miễn TNHS. Tại Điều 29 BLHS năm 2015, các căn cứ miễn TNHS được quy định như sau:

“1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a. Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b. Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a.Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c. Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

So với Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung căn cứ được miễn trách nhiệm hình sự và mở rộng phạm vi người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể là:

Thứ nhất, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu “khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” (điểm a khoản 1). Đây là một bổ sung quan trọng, quy định người phạm tội chắc chắn sẽ được các cơ quan, người tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự. Do đây là quy định “cứng” nên trong mọi trường hợp, nếu người phạm tội hoàn toàn thỏa mãn quy định này thì họ được miễn trách nhiệm hình sự. Nếu vì lý do nào đó mà cơ quan tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không ban hành quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội đó, thì có nghĩa là người, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người phạm tội.

Nội dung căn cứ này được hiểu là tại thời điểm vụ án được điều tra, truy tố hoặc xét xử, chính sách, pháp luật trực tiếp liên quan đến hành vi phạm tội đang bị truy cứu đã có sự thay đổi đáng kể so với quy định tương ứng tại thời điểm xảy ra tội phạm. Sự thay đổi đó đã làm cho hành vi phạm tội đang bị truy cứu không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, vì vậy, không cần thiết buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự

Thứ hai, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung trường hợp người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu “khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa” (điểm b khoản 2). Sự bổ sung căn cứ người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo đã thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với con người, phù hợp thực tiễn khách quan. Trên thực tế, khi người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa như HIV giai đoạn cuối, ung thư giai đoạn cuối…, khi đó sự sống của họ chỉ còn tính bằng ngày, bằng tháng, sức khỏe giảm sút nhanh chóng, vì vậy, khả năng để họ có thể gây nguy hại thêm cho xã hội là rất hạn chế. Mặt khác, việc không bắt họ chịu chế tài hình sự sẽ tạo điều kiện cho người phạm tội có điều kiện chữa trị bệnh tật để có cơ hội kéo dài sự sống. Đây là một quy định hết sức nhân văn, mang giá trị giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên, đây là quy định mang tính chất “tùy nghi”, không phải cứ mắc bệnh hiểm nghèo là được miễn trách nhiệm hình sự. Người áp dụng pháp luật có trách nhiệm xem xét, đánh giá xem người phạm tội tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng họ có thực sự “không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” hay không mới có thể quyết định việc miễn hay không cho miễn trách nhiệm hình sự. Có như vậy, chính sách nhân đạo này mới được thực thi một cách hiệu quả, thuyết phục, tránh bị lạm dụng và mang đầy đủ giá trị nhân văn của nó.

Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung trường hợp người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 3 Điều 29).

2. Các trường hợp được miễn, có thể được miễn TNHS

a. Các trường hợp được miễn TNHS

Theo quy định của BLHS năm 2015, trong các trường hợp sau đây, người phạm tội được miễn TNHS:

- Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn TNHS về tội định phạm (Điều16).

- Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (điểm a khoản 1 Điều 29);

- Khi có quyết định đại xá (điểm b khoản 1 Điều 29).

- Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn TNHS (khoản 4 Điều 110).

Khi có đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để xác định rằng người phạm tội thuộc một trong bốn trường hợp này thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải miễn TNHS cho họ.

Khoản 1 Điều 27 BLHS năm 2015 quy định: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS”. Những trường hợp không bị truy cứu TNHS do đã hết thời hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 là những trường hợp mà lẽ ra người phạm tội phải chịu TNHS (vì có cơ sở của TNHS) nhưng Nhà nước quy định là không truy cứu TNHS đối với họ thể hiện tính nhân đạo của pháp luật vì qua một thời hạn nhất định họ đã không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, không cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế của luật hình sự.

b. Các trường hợp có thể được miễn TNHS

Theo quy định của BLHS năm 2015, trong các trường hợp sau đây, người phạm tội có thể được miễn TNHS:

- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (điểm a khoản 2 Điều 29);

- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa (điểm b khoản 2 Điều 29);

-Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận (điểm c khoản 2 Điều 29);

- Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 3 Điều 29);

- Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này (điểm a khoản 2 Điều 90);

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này (điểm b khoản 2 Điều 90);

+Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án (điểm c khoản 2 Điều 90).

+ Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn TNHS hoặc miễn hình phạt (khoản 2 Điều 390 BLHS).

Những quy định về chế định miễn TNHS trong BLHS năm 2015 sẽ khắc phục được những bất cập, hạn chế của BLHS năm 1999, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong đấu tranh và phòng ngừa tội phạm ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn



Gọi ngay

Zalo