Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG CÓ QUYỀN HƯỞNG DI SẢN

Thừa kế di sản chính là sự chuyển dịch tài sản và quyền sở hữu tài sản của cá nhân người đã chết cho cá nhân, tổ chức có quyền hưởng thừa kế. Nguyên tắc quyền bình đẳng về thừa kế là một trong những nguyên tắc của quyền thừa kế, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, trong xã hội có một số trường hợp cá biệt người thừa kế vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình, có những hành vi trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội, trái với thuần phong mĩ tục của nhân dân Việt Nam, xâm phạm đến danh dự, uy tín, tính mạng, sức khỏe của bố, mẹ, anh, em, vợ, chồng,… Vậy những trường hợp nào thì không có quyền được hưởng di sản? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp những thắc mắc trên trong bài viết sau.

I.Cơ sở pháp lý

- Bộ luật Dân sự năm 2015

- Bộ luật Hình sự năm 2015

- Luật Hôn nhân và gia đình năm năm 2014

II.Nội dung tư vấn

1. Di sản là gì?

Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Di sản thừa kế có thể là vật, tiền, giấy tiền có giá và quyền tài sản thuộc sở hữu của người để lại di sản. Việc xác định di sản thừa kế mà người chết để lại căn cứ và giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp đối với khối tài sản đó.

2. Trường hợp không được hưởng di sản thừa kế

2.1. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản; xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.

Cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người để lại di sản là cố ý giết người để lại di sản, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người để lại di sản.

Ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản là đối xử tàn tệ hoặc đầy đọa người để lại di sản về thể xác, tinh thần.

Xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người để lại di sản thể hiện ở hành vi làm nhục, sỉ nhục, bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự người để lại di sản.

Khi có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe hay hành vi ngược đãi, hành hạ hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm và có bản án về hành vi đó của người có thể được nhận di sản thì ta không cần xem xét mục đích của việc xâm phạm đó có nhằm là hưởng di sản hay không mà vẫn tước quyền hưởng di sản. Tuy nhiên, người đó chỉ bị kết án về các hành vi nêu trên nếu hành vi đó tác động tới người để lại di sản.

Điều kiện được đặt ra trong trường hợp này là phải có một bản án có hiệu lực của pháp luật. Vì vậy, người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kết án thì sẽ không bị ràng buộc bởi điều này. Mặt khác, nếu một người đã bị kết án, sau đó được xóa án tích thì vẫn không được quyền hưởng di sản.

2.2. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng để lại di sản.

Nghĩa vụ nuôi dưỡng được xác định trong các trường hợp sau đây:

- Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế có quan hệ cha, mẹ – con. Pháp luật có quy định về bổn phận của con là phải chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ trong mọi trường hợp bất luận tình trạng kinh tế, sức khỏe của cha mẹ như thế nào.

+ Trên cơ sở nghĩa vụ nuôi dưỡng của con đối với cha mẹ thì có nghĩa vụ cấp dưỡng con của cha mẹ. Khi con vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ theo quy định của pháp luật thì không được hưởng di sản do cha mẹ để lại. Cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái khi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng bị tàn tật mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình. Nếu cha mẹ vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng trên của mình đối với con cái thì sẽ không được hưởng di sản của con để lại.

- Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế có quan hệ anh, chị – em.

- Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế có quan hệ ông, bà – cháu.

Những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình nếu có khả năng nuôi dưỡng mà không thực hiện nuôi dưỡng làm cho người cần được nuôi dưỡng lâm vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn, đói khổ hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó.

2.3. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

Trường hợp này, người thừa kế bị kết án về tội giết người. Mục đích của việc giết người nhằm chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản mà người bị giết đó sẽ được hưởng. Nếu hành vi giết người không phải vì động cơ trên thì không bị mất quyền thừa kế. Để chiếm đoạt được phần di sản của người thừa kế khác, người thừa kế đã thực hiện hành vi giết người một cách tình vi, xảo quyệt nhằm che đậy động cơ đê hèn của mình.

Như vậy sẽ không còn người thừa kế cùng hàng cho nên người thừa kế có hành vi giết người được hưởng toàn bộ di sản. Trường hợp anh, em ruột đánh, giết lẫn nhau nhưng không phải là để chiếm đoạt di sản mà do các động cơ và nguyên nhân khác nhau như do chia di sản không công bằng hoặc do tranh chấp nhau về vị trí của di sản ở mặt đường, chỗ giá trị, chỗ ít giá trị…

Những người thừa kế không giải quyết được các mâu thuẫn trên dẫn đến xô xát và phạm tội thì trong trường hợp này động cơ giết người không phải để chiếm đoạt di sản của người khác cho nên mặc dù bị kết án về tội giết người nhưng họ vẫn được hưởng di sản thừa kế.

2.4. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc; che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản chính là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu khi còn sống. Hành vi cản trở đối với người lập di chúc là hành vi trái pháp luật. Do vậy, người có hành vi cản trở sẽ bị tước quyền hưởng di sản do người có di sản để lại.

Trường hợp người thừa kế có hành vi lừa dối người lập di chúc, giả mạo di chúc hoặc sửa chữa di chúc,… mà không nhằm mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người lập di chúc thì chỉ áp dụng các biện pháp chế tài thông thường theo Luật dân sự như bồi thường thiệt hại, chứ không bị tước quyền thừa kế theo trường hợp này.

3. Các trường hợp vẫn được hưởng di sản thừa kế.

Pháp luật quy định có 4 trường hợp người thừa kế không có quyền hưởng di sản. Tuy nhiên, những người thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản nêu trên vẫn có thể được hưởng di sản nếu người để lại di sản đã biết những hành vi vi phạm đó nhưng vẫn cho hưởng theo di chúc.

Nếu hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm lập di chúc và người lập di chúc đã biết rõ ràng là họ không xứng đáng hưởng di sản nhưng vẫn lập di chúc cho hưởng di sản thì trường hợp này pháp luật tôn trọng ý chí của người lập di chúc. Người lập di chúc có thể “tha thứ" cho người chỉ định trong di chúc và cho hưởng tài sản của mình. Nếu người thừa kế có những hành vi bất xứng nhưng người lập di chúc không biết mà vẫn lập di chúc cho họ hưởng và sau khi người lập di chúc chết mới phát hiện được hành vi phạm thì người thừa kế sẽ không có quyền hưởng di sản.

Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về các trường hợp không có quyền hưởng di sản. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Thu Cẩm)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà CT 1 - SUDICO Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Vũ Quỳnh,

P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn


Bài viết liên quan:

Di chúc được lập bằng miệng có được coi là hợp pháp

Cha mẹ ly hôn con có được hưởng thừa kế hay không

Con bị tâm thần có được hưởng thừa kế không



Gọi ngay

Zalo