Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

TƯ VẤN QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN P2

Khi đề cập đến quyền tác giả đối với những tác phẩm không thể không nhắc tới quyền liên quan đến quyền tác giả đó. Quyền liên quan được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, bao gồm: quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và quyền của tổ chức phát sóng.

1. Quyền của người biểu diễn:

Người biểu diễn là người thực hiện các hoạt động sáng tạo trong việc thể hiện, để đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học của các tác giả đến công chúng. Họ có thể là ca sĩ, diễn viên, người trình bày, diễn, đọc,...các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Người biểu diễn chỉ được hưởng các quyền nhân thân mà không được hưởng các quyền về tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp người biển diễn đồng thời là người đầu tư tài chính, các điều kiện vật chất để hình thành nên cuộc biểu diễn thì họ là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn và được hưởng các quyền tài sản.

Đối tượng bảo hộ quyền biểu diễn chính là các quyền nhân thân và quyền tài sản của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn.

Quyền nhân thân của người biểu diễn bao gồm quyền được giới thiệu tên khi biểu diễn, ghi tên trên bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc bằng bất kì hình thức nào gây phương hại tới danh dự, uy tín của người biểu diễn.

Quyền tài sản của người biểu diễn bao gồm các quyền sau; đối với những quyền này, người biểu diễn có thể tự mình thực hiện quyền hoặc cho phép người khác thực hiện: Quyền định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình; Quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình; Quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình; Quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kì phương tiện kĩ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Trong trường hợp nhiều người tham gia biểu diễn, thì có thể chọn người đại diện thực hiện các quyền nêu trên.

Quyền nhân thân và quyền tài sản chỉ thuộc về người biểu diễn khi họ không gây phương hại tới quyền tác giả. Những tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền tài sản của người biểu diễn phải trả thù lao cho người biểu diễn theo quy định pháp luật và theo thỏa thuận.

2. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm:

Nhà sản xuất bản ghi âm là tổ chức thực hiện các hoạt động sáng tạo của những người liên quan, đồng thời áp dụng những công nghệ phù hợp để chuyển tải tác phẩm thuộc quyền tác giả đến công chúng, thông qua việc sản xuất ra bản ghi âm. Đối tượng bảo hộ quyền ghi âm chính là các quyền độc quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, bao gồm: Quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm của mình; Quyền phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao bản ghi âm của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kì phương tiện kĩ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được; Chẳng hạn, phân phối trên mạng thông tin điện tử.

3. Quyền của tổ chức phát sóng:

Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng do mình thực hiện. Tổ chức phát sóng bao gồm các đài phát thanh, đài truyền hình. Đối tượng bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng là các quyền độc quyền do tổ chức phát sóng tự thực hiện hoặc cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Các quyền này bao gồm: Quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình; Quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình; Quyền định hình chương trình phát sóng của mình; Quyền sao chép chương trình phát sóng của mình. Tái phát sóng là việc phát sóng đồng thời bởi một tổ chức phát sóng một chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác (ví dụ: Các đài truyền hình địa phương tiếp sóng chương trình của VTV). Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng quyền tài sản của mình như việc cho phép tái phát sóng, phân phối chương trình phát sóng đến công chúng, định hình và sao chép chương trình phát sóng.

4. Giới hạn quyền liên quan:

Trong trường hợp sử dụng cuộc biểu diễn không nhằm mục đích thương mại, thì không phải xin phép, không phải trả nhuận bút, thù lao. Nó gồm việc sao chép 01 bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; trích dẫn hợp lí với mục đích cung cấp thông tin, tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi tổ chức phát sóng được hưởng quyền phát sóng. Trích dẫn được coi là hợp lí khi phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong việc cung cấp thông tin; số lượng và thực chất của phần trích dẫn không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn được sử dụng để trích dẫn và phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình quyền liên quan được sử dụng để trích dẫn.

Có hai trường hợp về giới hạn quyền của nhà sản xuất bản ghi âm. được quy định tại luật Việt Nam. Truờng hợp thứ nhất là việc sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao gồm việc tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy của cá nhân, lưu trữ tại thư viện; trích dẫn hợp lí nhằm mục đích cung cấp thông tin, giảng dạy. Trường hợp thứ hai là việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm đã công bố nhằm mục đích thương mại, để phát sóng có tiền tài trợ, tiền quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kì một hình thức nào, không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng. Trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Giới hạn quyền của tổ chức phát sóng là các ngoại lệ, được quy định cụ thể trong những trường hợp đặc biệt được ghi tại luật quốc gia. Luật Việt Nam đưa ra ngoại lệ, trong trường hợp việc sử dụng chương trình phát sóng không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao khi sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân; trích dẫn hợp lí nhằm mục đích cung cấp thông tin; tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng.

5. Về thời hạn bảo hộ quyền liên quan:

Về thời hạn bảo hộ, người biểu diễn được hưởng thời hạn bảo hộ 50 năm, tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình, và kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ. Thời hạn này được quy định tại Công ước Rome là 20 năm, kể từ khi cuộc biểu diễn được định hình hoặc thực hiện.

Thời hạn bảo hộ quyền nhà sản xuất bản ghi âm, theo luật Việt Nam là 50 năm tính từ năm tiếp theo năm công bố lần đầu tiên bản ghi âm, hoặc 50 năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm được định hình, nếu bản ghi âm chưa được công bố. Thời gian kết thúc thời hạn bảo hộ kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 31 tháng 12 năm chấm dứt thời hạn bảo hộ.

Thời hạn bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng là 50 năm, tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện và kết thúc vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ.

Hy vọng những thông tin mà Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam cung cấp trên đây sẽ mang lại giá trị hữu ích cho Quý khách hàng.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn

( L.Đ.T.Thủy)



Gọi ngay

Zalo