Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

TƯ VẤN CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ THỪA KẾ

Hà Nội, ngày tháng năm

THƯ TƯ VẤN DỊCH VỤ PHÁP LÝ

Số: /TTV-HTC Việt Nam

V/v: Tư vấn các vấn đề pháp lý về thừa kế


Kính gửi : Khách hàng

Địa chỉ:

Số điện thoại liên lạc:

Kính thưa Quý khách hàng!

Lời đầu tiên, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam (“HTC Việt Nam”) xin gửi đến Quý khách hàng lời chào trân trọng nhất. Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp lý của chúng tôi.

I. YÊU CẦU CỦA QUÝ KHÁCH HÀNG.

Qua tiếp xúc, trao đổi thông tin, HTC Việt Nam được biết Quý khách hàng đang có nhu cầu tư vấn các vấn đề pháp lý về quan hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ thừa kế có liên quan đến anh C.

Nội dung Quý khách hàng cung cấp:

Ông L kết hôn với bà C sinh được 6 người con:

1. Chị hai S: đã kết hôn và có một người con trai;

2. Anh ba H: đã kết hôn, cha của anh T (khách hàng);

3. Anh tư T: đã mất năm 1994, chưa kết hôn, có con là C (sinh năm 1989) chưa rõ là con ruột hay con nuôi;

4. Chị năm X;

5. Anh sáu H: sống ở Mỹ, mất năm 2010, đã kết hôn và có hai người con trai nhưng nay đã mất liên lạc;

6. Chị bảy út N mất năm 2017, để lại di chúc cho anh C.

Theo Quý khách hàng trình bày: Ông nội của khách hàng là L mất năm 1993, Bà nội của khách hàng là C mất năm 2000. Sau khi ông bà mất, ngôi nhà của ông bà do Chị năm X, chị bảy út N và C (được cho là con anh tư T) sử dụng đến nay.

Khách hàng nhờ luật sư tư vấn pháp luật về thừa kế di sản của ông bà nội và hướng giải quyết các yêu cầu về quan hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ thừa kế có liên quan đến anh C như sau:

- Thứ nhất: quan hệ giữa C và anh T (được cho là cha?) có được pháp luật công nhận không? Trong khi đó anh Châu và anh Tuấn khác họ nhau, trên giấy khai sinh của anh C chỉ ghi tên cha là anh T, không có tên mẹ và thực tế anh C cũng không biết mẹ là ai.

- Thứ hai: Chị bảy út N mất năm 2017 có di chúc cho C hưởng toàn bộ tài sản của chị N. Vậy, anh C có được hưởng thừa kế phần di sản cha là T để lại và di sản hưởng từ di chúc của cô N không?

- Thứ ba: Xuất phát từ yêu cầu đầu tiên, quan hệ cha con của C và cha là T không được cô S và bác H chấp nhận vì họ không rõ là anh C là con ai. Vậy, Luật sư hãy cho biết làm thế nào để chứng minh anh C là con ruột của anh T. Mặt khác, hãy làm rõ việc giấy khai sinh ghi tên cha T thì anh C là con ruột hay con nuôi?

- Thứ tư: Nếu trong trường hợp cha mẹ ruột của anh C có cùng huyết thống với nhau thì trên phương diện pháp luật quy định như thế nào? Anh C có được nhận hai phần tài sản của cha (T) và mẹ (N) không?

Cha anh C là T đã mất từ năm 1994, nếu anh C xét nghiệm ADN có liên quan huyết thống gần với chị N thì anh C có được công nhận là con ruột của cha T không khi không có mẫu ADN của người cha?

- Thứ năm: Sau bao lâu nếu không chia tài sản sẽ mất quyền thừa kế?

II. NỘI DUNG TƯ VẤN PHÁP LÝ CỦA HTC VIỆT NAM.

1. Cơ sở pháp lý

Để cung cấp nội dung tư vấn cho Quý khách hàng, Công ty Luật chúng tôi đã căn cứ quy định tại các văn bản sau:

  • - Luật Hôn nhân và Gia đình số 21-LCT/HĐNN7;
  • - Luật Hôn nhân và Gia đình số 22/2000/QH10;
  • - Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13;
  • - Bộ luật Dân sự số 44-L/CTN;
  • - Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11;
  • - Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13;
  • - Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13;
  • - Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;
  • - Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;
  • - Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/06/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình;
  • - Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
  • - Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch 2014;
  • - Thông tư số 05-NV ngày 21/01/1961 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Điều lệ đăng ký hộ tịch mới;
  • - Nghị định 4-CP ngày 16/1/1961 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ đăng ký hộ tịch;
  • - Pháp lệnh thừa kế ban hành ngày 30/8/1990 của Hội đồng Nhà nước.

2. Nội dung tư vấn của HTC Việt Nam

2.1. Quan hệ cha – con giữa anh Đinh Bảo Châu và ông Nguyễn Quang Tuấn có được pháp luật công nhận không?

Theo thông tin khách hàng cung cấp, anh Đinh Bảo Châu có giấy khai sinh ghi tên cha là Nguyễn Quang Tuấn. Tại Khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định: “Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này”. Như vậy, Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân, có giá trị pháp lý theo suốt cuộc đời của cá nhân, chứng minh cho sự kiện được sinh ra, quốc tịch có ý nghĩa trong quyền được bảo hộ công dân của quốc gia mà người đó mang quốc tịch, xác định quan hệ cha – con, mẹ - con của người được khai sinh.

Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh:

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Khi cấp giấy khai sinh cho một cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện theo một trình tự, thủ tục luật định. Vì anh Đinh Bảo Châu sinh năm 1989 nên chúng ta cần xem xét các văn bản pháp luật thời điểm đó để xét xem cơ quan nhà nước tại thời điểm đó cấp giấy khai sinh dựa trên những căn cứ nào.

- Thứ nhất, về thủ tục đăng ký khai sinh: Điều lệ đăng ký hộ tịch ban hành kèm theo Nghị định 4/CP ban hành ngày 16/1/1961 của Hội đồng Chính phủ quy định tại Điều 2 như sau:

“Khi khai sinh phải xuất trình giấy chứng sinh do cơ quan y tế đã đỡ đẻ cấp. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì có thể xuất trình giấy chứng nhận do người chịu trách nhiệm về hành chính ở xóm, bản, phố hay cơ quan, xí nghiệp, công, nông trường cấp.…”.

Như vậy, việc xuất trình giấy chứng sinh do cơ quan y tế đã đỡ đẻ cấp hoặc giấy chứng nhận do người chịu trách nhiệm về hành chính ở xóm, bản, phố hay cơ quan, xí nghiệp, nông trường cấp là thủ tục bắt buộc khi đăng ký khai sinh cho trẻ. Do đó, trong trường hợp của anh Đinh Bảo Châu, khi đăng ký khai sinh, người đăng ký buộc phải xuất trình giấy tờ nói trên mới đủ điều kiện cấp giấy khai sinh.

- Thứ hai, Thông tư 05-NV của Bộ Nội vụ ban hành ngày 21/1/1961 quy định “Ủy ban hành chính có nhiệm vụ đăng ký sinh cho đứa trẻ và không cần đi sâu vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Nếu người đứng khai không muốn khai tên người cha, thì Ủy ban hành chính vẫn đăng ký”.

Vì vậy, Giấy khai sinh của anh Đinh Bảo Châu chỉ ghi tên anh Nguyễn Quang Tuấn (cha) phù hợp với quy định của pháp luật thời điểm đăng ký khai sinh. Giấy khai sinh thể hiện sự công nhận của nhà nước đối với sự tồn tại của cá nhân, các yếu tố về quốc tịch, quan hệ cha – con, mẹ – con. Do vậy, mối quan hệ cha con giữa anh Đinh Bảo Châu và anh Nguyễn Quang Tuấn được pháp luật công nhận nếu việc đăng ký khai sinh tuân thủ quy định của pháp luật giai đoạn này.

Khách hàng có điều thắc mắc thứ hai là: trong giấy khai sinh, anh Châu họ Đinh khác với họ của người đứng tên cha (anh Tuấn họ Nguyễn). Về đặt tên họ cho trẻ khi đăng ký khai sinh, pháp luật quy định tại Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”.

Pháp luật không có quy định cấm là con bắt buộc mang họ của người cha. Do vậy, việc anh Châu khác họ của người đứng tên cha trên giấy khai sinh không ảnh hưởng gì đến giá trị pháp lý của giấy khai sinh.

2. Anh Đinh Bảo Châu có được hưởng thừa kế phần di sản cha là Nguyễn Quang Tuấn để lại và di sản hưởng từ di chúc của cô Nguyễn Thủy Nguyên không?

Theo thông tin khách hàng cung cấp, anh T mất năm 1994 và chị N mất năm 2017.

Quyền thừa kế đối với phần di sản của anh Nguyễn Quang Tuấn:

Anh C là con của anh T, được pháp luật công nhận. Anh T chết không để lại di chúc. Do vậy, áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật để giải quyết. Theo khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh thừa kế 1990, anh C thuộc hàng thừa kế thứ nhất những người thừa kế theo pháp luật. Anh C được quyền hưởng di sản do cha mình để lại. Chưa xác định được anh Châu là con nuôi, con đẻ, con ngoài giá thú, nhưng pháp luật quy định các đối tượng này đều thuộc hàng thứ nhất những người thừa kế theo pháp luật của anh T.

Quyền thừa kế của anh Đinh Bảo Châu theo di chúc của bà Nguyễn Thủy Nguyên:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015), do vậy, người để lại di chúc có quyền định đoạt tài sản của mình cho cá nhân hoặc tổ chức. Pháp luật dân sự tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân, tổ chức. Ở đây, chị N chỉ định người thừa kế là anh C. Trường hợp mà người chết có di chúc để lại, khách hàng cần chú ý đến hình thức của di chúc để đảm bảo điều kiện có hiệu lực của di chúc. Khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện của di chúc hợp pháp:

“a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật”.

Có hai trường hợp xảy ra:

Một là, Di chúc hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện của di chúc hợp pháp. Anh C có quyền hưởng di sản thừa kế từ di chúc hợp pháp đó.

Hai là, Di chúc không hợp pháp, không đáp ứng đủ các điều kiện của di chúc hợp pháp. Di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế được chia theo quy định của pháp luật, không theo ý chí của người lập di chúc.

Như vậy, quyền hưởng di sản thừa kế không giới hạn phạm vi, anh Châu có thể hưởng di sản thừa kế từ cha mình là anh T kế và di sản định đoạt từ di chúc của chị N trong trường hợp di chúc hợp pháp.

Tư vấn về tài sản ông bà nội khách hàng để lại là một ngôi nhà (hiện do cô X, cô N - đã mất năm 2017 và anh C sử dụng đến nay). Ông bà nội khách hàng mất không để lại di chúc, tài sản của ông bà được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông bà bao gồm:

1. Chị hai S;

2. Anh ba H;

3. Anh tư T: đã mất năm 1994;

4. Chị năm X;

5. Anh sáu H: mất năm 2010;

6. Chị bảy út N mất năm 2017.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 tại Điều 66 về Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết:

“1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản”.

Như vậy, ông nội khách hàng mất năm 1993, mất không để lại di chúc, nên ngôi nhà do bà nội khách hàng quản lý. Đến năm 2000, bà nội khách hàng mất, cũng không để lại di chúc, nên đặt ra vấn đề chia di sản thừa kế theo pháp luật theo hàng thừa kế nêu trên. Anh tư là Nguyễn Quang Tuấn chết năm 1994 trước thời điểm bà nội mất nên có thừa kế thế vị cho anh Đinh Bảo Châu (tức là, anh Châu được quyền hưởng một suất thừa kế chia theo pháp luật của ông bà nội thay cho cha mình – anh Nguyễn Quang Tuấn).

3. Làm thế nào để chứng minh anh C là con ruột của anh T. Mặt khác, hãy làm rõ việc giấy khai sinh ghi tên cha T thì anh C là con ruột hay con nuôi?

Thứ nhất, để chứng minh anh C là con ruột của anh T, có hai phương pháp:

Một là, phương pháp y học. Phương pháp này có ưu điểm là nhanh và có độ chính xác cao. Tuy nhiên, anh T đã mất từ năm 1994, hiện tại không có mẫu ADN để đối chiếu. Tuy nhiên, có thể so sánh với mẫu ADN của anh, chị, em ruột của anh T. Vấn đề này khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn của cơ quan giám định để có kết quả chính xác.

Hai là, phương pháp xác định quan hệ cha con trên cơ sở pháp lý. Đối với phương pháp này, khách hàng cần đưa ra những giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha con. Bao gồm: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy khai sinh cho một cá nhân thì phải được ghi vào sổ hộ tịch do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy khai sinh đó giữ. Khách hàng cần liên hệ với cơ quan cấp giấy khai sinh đó để xin Trích lục sổ hộ tịch.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014: “Sổ hộ tịch là sổ giấy được lập và lưu giữ tại cơ quan đăng ký hộ tịch để xác nhận hoặc ghi các sự kiện hộ tịch quy định tại Điều 3 của Luật này”. Các sự kiện hộ tịch bao gồm: Khai sinh; Kết hôn; Giám hộ; Nhận cha, mẹ, con; Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; Khai tử (Khoản 1 Điều 3 Luật Hộ tịch 2014). Như vậy, sự kiện khai sinh có liên quan đến anh C sẽ được ghi vào sổ hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy khai sinh. Trong sổ hộ tịch có ghi chú rõ ràng anh C là con đẻ, con nuôi hay con ngoài giá thú. Từ đó, khách hàng có thể xem xét địa vị pháp lý của anh C trong mối quan hệ cha – con với anh T.

4. Nếu trong trường hợp cha mẹ ruột của anh C có cùng huyết thống với nhau thì trên phương diện pháp luật quy định như thế nào? Anh C có được nhận hai phần tài sản của cha (T) và mẹ (N) không?

- Pháp luật quy định như thế nào về trường hợp cha mẹ của anh C có cùng huyết thống:

Thứ nhất, xác định được rằng cha mẹ của anh Châu không có đăng ký kết hôn, không sống chung với nhau như vợ chồng do đó không vi phạm các điều cấm của Luật Hôn nhân và Gia đình về điều kiện đăng ký kết hôn (điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”).

Thứ hai, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 tại Điều 184 về Tội loạn luân: “Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Như vậy, do cha mẹ của anh Châu đều đã mất nên không đặt ra trách nhiệm hình sự. Nhưng thực tế, hành vi của họ là tội phạm, bị xử lý bằng hình thức phạt tù có thời hạn.

- Anh C có được nhận hai phần tài sản của cha (T) và mẹ ( N) không?

Tài sản của cha, mẹ anh C để lại có một phần trong tài sản chung là ngôi nhà của ông bà nội khách hàng. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 623). Như vậy, thời điểm mở thừa kế tài sản của ông bà nội khách hàng là năm 2000 (năm bà nội mất). Đến năm 2030, thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với động sản của ông bà nội khách hàng sẽ hết. Như vậy, các đồng thừa kế có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản thừa kế. Anh T và chị N là những người trong các đồng thừa kế đó.

- Anh T chết trước thời điểm mở thừa kế. Do đó, anh C có quyền thừa kế thế vị suất thừa kế của cha mình. Tài sản của anh T để lại bao gồm: di sản thừa kế hưởng từ ông bà nội khách hàng và Tài sản riêng của anh T.

- Chị Ng để lại tài sản bao gồm tài sản thừa kế hưởng từ ông bà nội khách hàng và tài sản riêng của chị N.

Như vậy, anh C có quyền hưởng hai phần tài sản của cha và mẹ.

Cha anh C là T đã mất từ năm 1994, nếu anh C xét nghiệm ADN có liên quan huyết thống gần với chị N thì anh C có được công nhận là con ruột của anh T không khi không có mẫu ADN của người cha?

Trên thực tế, việc sử dụng phương pháp y học để xác định quan hệ huyết thống là phổ biến. Tuy nhiên, trường hợp của gia đình khách hàng khá đặc biệt. Một là cha – mẹ anh C là anh em ruột, sẽ có ADN liên quan huyết thống gần với nhau. Hơn nữa, khách hàng cũng không có mẫu ADN của anh T để đối chiếu trực tiếp. Như vậy, việc anh C chỉ xét nghiệm ADN có liên quan huyết thống gần với chị Ng không chứng minh được anh C là con ruột của anh T. Mặt khác, nếu chứng minh như vậy thì anh C cũng có thể là con ruột của cha H (anh trai ruột của anh T – Cha khách hàng). Về mặt y học, khách hàng cần tham khảo cơ quan chuyên môn về giám định ADN để có được câu trả lời chính xác nhất. Nhưng theo quan điểm của công ty chúng tôi, biện pháp này có thể cho kết quả không khách quan.

Do vậy, khách hàng cần chứng minh thông qua các giấy tờ có giá trị pháp lý như Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, Sổ hộ tịch (lưu tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hộ tịch) để xem xét mối quan hệ giữa anh C và cha là anh T.

5. Sau bao lâu nếu không chia tài sản sẽ mất quyền thừa kế?

Thứ nhất, xét về thời hiệu thừa kế:

Theo Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 về Thời hiệu quy định: “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định”.

Ta xét hai trường hợp thừa kế của anh C:

- Thừa kế theo pháp luật từ cha anh C là anh T:

Anh T mất năm 1994.

Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu thừa kế:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này...”.

Điều 611 quy định về thời điểm mở thừa kế: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này”.

Từ quy định trên, anh C có quyền thừa kế di sản, quyển khởi kiện yêu cầu chia di sản trong thời hạn 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, cần xác định trong khối tài sản của anh T đâu là động sản, đâu là bất động sản để xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế.

- Thừa kế theo di chúc từ chị N mất năm 2017:

Đối với phần di sản do chị N để lại, phải xác định đâu là bất động sản (nhà cửa, đất đai,..) và đâu là động sản (động sản phải đăng ký quyền sở hữu, động sản không phải đăng ký quyền sở hữu) để xác định thời hiệu khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, đối với động sản là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thứ hai, các trường hợp bị mất quyền thừa kế:

Theo Điều 7 Pháp lệnh thừa kế năm 1990, Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 không có trường hợp nào quy định về việc nếu không chia tài sản sau một khoảng thời gian thì bị mất quyền thừa kế.

Như vậy, người thừa kế sẽ không bị mất quyền thừa kế ngay cả khi thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã hết.

III. BÁO GIÁ DỊCH VỤ.

1. Phí dịch vụ

- Phí luật sư chính phụ trách: 2 triệu/h.

- Phí luật sư thực hiên: 1 triệu/h cho 3 giờ làm việc.

Căn cứ theo nội dung yêu cầu của Quý khách hàng xin tư vấn giải quyết các vấn đề về thừa kế có liên quan đến anh C. Chúng tôi đưa ra mức phí dịch vụ tư vấn này là đồng/4h làm việc.

Ghi chú:

- Phí dịch vụ pháp lý nêu trên đã bao gồm phí và lệ phí nhà nước có liên quan;

- Phí dịch vụ trên chưa bao gồm 10% VAT;

- Thời gian làm việc là thứ Hai đến Thứ Sáu, không bao gồm thứ Bảy, Chủ Nhật và được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của Quý khách hàng;

- Phí trên chưa bao gồm chi phí đi lại, lưu trú ra ngoài phạm vi các quận nội thành thành phố Hà Nội. Chi phí đi lại, lưu trú sẽ thanh toán theo chi phí thực tế.

2. Phương thức thanh toán

Nếu đồng ý với nội dung tư vấn và đề xuất phí dịch vụ, Quý khách vui lòng thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển tiền theo số tài khoản sau đây:

Tên tài khoản: CÔNG TY LUẬT TNHH HTC VIỆT NAM

Số tài khoản: 2601.0000.981.137.

Tại: Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Tây Hà Nội.

IV. BẢO MẬT.

Mọi thông tin, trao đổi liên lạc, các tài liệu và các thỏa thuận giữa các Bên sẽ được cam kết giữ bảo mật tuyệt đối và chỉ được trao đổi với Bên thứ Ba khác khi có sự chấp thuận của cả Hai Bên bằng văn bản.

Trên đây là nội dung đề xuất dịch vụ của HTC Việt Nam về những nội dung yêu cầu của Quý khách hàng. Kính mong Quý khách xem xét và chấp thuận. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung đề xuất dịch vụ này, Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được phúc đáp.

Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý khách hàng.

Trân trọng!




Gọi ngay

Zalo