Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

THỰC TRẠNG ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ TIỀN KÝ QUỸ - TIỀN ĐẶT CỌC CHỐNG TRỐN VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Xuất khẩu lao động đang trở thành một nhu cầu phổ biến đối với người lao động Việt Nam hiện nay với mong muốn tìm kiếm một mức thu nhập cải thiện hơn tại thị trường lao động nước ngoài. Từ chính xu hướng đó, hàng loạt doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài được thành lập.

Đồng thời, tình trạng người lao động Việt Nam bỏ việc, trốn ra ngoài làm hay tự ý phá vỡ hợp đồng cũng gây ra một vấn đề nhức nhối, đem lại gánh nặng cho cả các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và cơ quan quản lý. Không những vậy, điều này còn ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của quốc gia đối với bạn bè quốc tế. Vì lý do đó, tiền ký quỹ hay tiền đặt cọc chống trốn xuất hiện như một giải pháp được các doanh nghiệp sử dụng để kiểm soát người lao động. Những quy định pháp luật về tiền ký quỹ từ đó cũng được hình thành.

Tiền ký quỹ - tiền đặt cọc chống trốn là khoản tiền mà người lao động sẽ phải đóng cho công ty xuất khẩu lao động nhằm đảm bảo thực hiện, tuân thủ đúng các thỏa thuận, điều khoản trong hợp đồng, tránh tình trạng người lao động phá bỏ hợp đồng và ra ngoài làm thêm bất hợp pháp.

Tiền ký quỹ đã góp phần đảm hơn cho quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ cao hơn cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhu cầu kinh tế, nhiều lao động Việt Nam vẫn sẵn sàng vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng, các quy định pháp luật để có mức thu nhập cao hơn và ở lại nước ngoài bất hợp pháp lâu hơn khi mà làm thêm, làm ngoài giờ mang lại một mức lương hấp dẫn hơn. Để ra nước ngoài làm việc, người lao động đã phải bỏ ra một khoản chi phí không hề nhỏ, rất nhiều người phải đi vay mượn. Cùng với đó, họ còn gặp khó khăn để có một công việc ổn định sau khi về nước. Điều này đặt gánh nặng lên vai những người lao động với mong muốn thu lại chi phí đã bỏ ra, hoàn thành việc trả nợ càng sớm càng tốt và dành dụm được một khoản tiền để làm ăn khi trở về nước. Bất chấp rủi ro bị phát hiện, bị trục xuất về nước, mất khoản tiền ký quỹ và có thể là phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra, người lao động vẫn lựa chọn việc làm sai với thỏa thuận, làm trái các quy định pháp luật của Việt Nam cũng như pháp luật nước sở tại. Hơn thế nữa, tình trạng này kéo theo thiệt hại của chủ sử dụng lao động, gây thất thoát và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu lao động, làm xấu đi hình ảnh của người lao động Việt Nam tại nước ngoài. Hậu quả là, nhiều quốc gia đã có chính sách hạn chế việc tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc.

Ngoài ra, sự vi phạm quy định pháp luật về tiền ký quỹ còn đến từ chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Khoản 2 Điều 23 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 quy định: “Người lao động trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp dịch vụ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng được doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại để giữ tiền ký quỹ của người lao động.”, tuy nhiên không ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động không thực hiện đúng việc nộp toàn bộ số tiền ký quỹ của người lao động vào tài khoản ngân hàng.

Xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật của chính doanh nghiệp hoặc lợi dụng sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết của người lao động, doanh nghiệp còn thu một mức tiền ký quỹ cao hơn so với mức trần tiền ký quỹ mà pháp luật quy định. Điều này tạo thêm sức ép lên người lao động để chi trả các khoản chi phí khi có nhu cầu ra nước ngoài làm việc và doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.Đặc biệt, từ ngày 01/11/2017, doanh nghiệp khi đưa thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc sẽ không được phép thu giữ tiền ký quỹ hay tiền đặt cọc của thực tập sinh. Hơn nữa, doanh nghiệp phải công khai các khoản thu phí để tránh tình trạng thực tập sinh bị thu các khoản phí cao và trái với quy định pháp luật. Thế nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn thu tiền ký quỹ hay các khoản phí rất cao đối với người lao động muốn đi sang Nhật Bản làm việc.

Đồng thời, Khoản 3 Điều 23 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 quy định: “Tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả cả gốc và lãi cho người lao động khi thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp; khi sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung, nếu còn thừa thì phải trả lại cho người lao động.” Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù người lao động thực hiện đúng mọi trách nhiệm, nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng, cũng không thực hiện hành vi vi phạm nào nhưng sau khi thanh lý hợp đồng, doanh nghiệp vẫn không hoàn trả lại tiền ký quỹ hay lãi cho người lao động. Hiện nay, rất nhiều vụ tranh chấp xảy ra liên quan đến việc doanh nghiệp không hoàn trả lại tiền ký quỹ cho người lao động.

Mặc dù, những hành vi vi phạm quy định pháp luật về tiền ký quỹ xảy ra rất nhiều ở cả người lao động hay doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn chưa xử lý triệt để được các cá nhân, tổ chức vi phạm. Trên thực tế, người lao động vẫn sẵn sàng chịu mất số tiền ký quỹ đã bỏ ra hay chính khoản tiền ký quỹ trở thành một gánh nặng khiến họ càng tìm cách bỏ ra ngoài làm việc để kiếm nhiều tiền hơn trang trải nợ nần, tích lũy tiền trước khi về nước. Thậm chí việc không thu tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở Nhật Bản cũng tạo ra điều kiện để người lao động dễ dàng bỏ trốn nếu không có các biện pháp ngăn chặn một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, việc pháp luật quy định về việc hoàn trả cả tiền lãi đối với số tiền ký quỹ mà người lao động đã nộp nhưng lại không có quy định về cách tính tiền lãi cũng gây ra những rào cản đối với việc áp dụng pháp luật.

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về tiền ký quỹ, các cơ quan quản lý cần nâng cao vai trò của mình hơn nữa trong việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các cán bộ quản lý phải là những người có hiểu biết về thị trường lao động, về các quy định pháp luật trong nước và quốc tế. Các cơ quan quản lý nên đưa ra hoặc đề xuất các quy định phối hợp thực hiện giám sát việc doanh nghiệp nộp tiền ký quỹ tại các ngân hàng. Đồng thời, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Hiệp hội xuất khẩu lao động và Cục quản lý Lao động ngoài nước nhằm quản lý lực lượng lao động xuất khẩu trở về để giới thiệu cho các đơn vị trong nước, hạn chế tình trạng người lao động không tìm được công việc ổn định khi kết thúc hợp đồng lao động.

Người lao động cần tiếp cận để hiểu được các quy định pháp luật, các thông tin liên quan nhằm bảo vệ quyền lợi của mình và tránh xảy ra các hành vi vi phạm. Chính vì vậy, việc các cơ quan nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin cho người lao động là rất cẩn thiết.

Các cơ quan quản lý cần phối hợp với các cơ quan đăng ký kinh doanh để xác minh doanh nghiệp có đáp ứng đủ và đúng các điều kiện mà pháp luật quy định hay không, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp, các trung tâm xuất khẩu lao động ồ ạt mở ra gây rất nhiều trở ngại trong việc quản lý. Do đó, pháp luật cần đưa ra những quy định chặt chẽ hơn nữa về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiêu chuẩn tuyển chọn lao động, các loại phí, chế độ lào động và thu nhập của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài v.v.

Mặt khác, các cơ quan lập pháp cần xây dựng các quy định pháp luật mang tính đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa để các doanh nghiệp và người lao động có thể áp dụng, tránh xảy ra tình trạng lợi dụng kẻ hỡ của pháp luật để thực hiện những hành vi vi phạm mà không phải chịu bất kỳ biện pháp xử lý nào. Trong đó, pháp luật Việt Nam cần có các quy định cụ thể hơn về cách xác định và tính số tiền lãi đối với khoản tiền ký quỹ mà người lao động nộp cho doanh nghiệp.

Hy vọng những thông tin mà Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam cung cấp trên đây sẽ mang lại giá trị hữu ích cho Quý khách hàng.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn

(L.T.N.Ánh)



Gọi ngay

Zalo