Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

LƯƠNG KHI LÀM VIỆC NGÀY LỄ ĐƯỢC TÍNH NHƯ THẾ NÀO? CÓ ĐƯỢC NGHỈ BÙ HAY KHÔNG?

Tôi hiện đang là nhân viên bán vé tại rạp chiếu phim. Sắp tới ngày lễ 2/9, tôi không muốn đi chơi ngày này vì sợ đông người, vì vậy tôi muốn đi làm vào ngày này và nghỉ bù vào tuần tiếp theo. Nhưng tôi không rõ cách tính lương ngày nghỉ lễ và tôi có được nghỉ bù hay không? Xin luật sư trả lời giúp tôi.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng đội ngũ luật sư Công ty luật TNHH HTC Việt Nam. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn, hướng dẫn tư vấn cho bạn để giải quyết vấn đề này trong bài viết dưới đây:

1. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật lao động năm 2019;

- Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong các ngày lễ sau:

  • - Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
  • - Tết Âm lịch: 05 ngày;
  • - Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
  • - Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
  • - Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
  • - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Vì vậy, nếu làm vào các ngày này, người lao động sẽ được tính là làm thêm giờ. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 107 BLLĐ năm 2019 và điểm a, khoản 1, Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý của người lao động về 03 nội dung sau:

- Thời gian làm thêm;

- Địa điểm làm thêm;

- Công việc làm thêm.

Như vậy, có thể thấy, việc đi làm vào những ngày lễ là không bắt buộc và trong điều kiện bình thường, người lao động hoàn toàn có quyền từ chối làm thêm giờ vào các ngày lễ. Tuy nhiên, theo Điều 108 BLLĐ năm 2019, với một số công việc đặc biệt như thăm dò, khai thác dầu khí trên biển, làm việc trên biển, sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần, công việc của thợ lặn, công việc trong hầm lò, công việc phải thường trực 24/24 giờ… thì việc nghỉ lễ sẽ do các Bộ, ngành quản lý cụ thể quy định sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trường hợp doanh nghiệp bố trí người lao động đi làm vào ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thì phải tính trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động. Điểm c Khoản 1 Điều 98 Bộ luật này quy định, người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Theo Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ thì tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương quy định tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động được tính như sau:

Tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương

=

Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường

x

Mức ít nhất 300%

x

Số giờ làm thêm

Trong đó:

- Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, được xác định bằng tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ (không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động) chia cho tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ (không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, 1 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm);

- Mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động. Sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được tính mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường.

- Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Trường hợp làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.

Đối với vấn đề người lao động có được nghỉ bù khi đi làm vào ngày lễ hay không, BLLĐ năm 2019 chỉ quy định về nghỉ bù tại khoản 3 Điều 111, nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp. Theo đó, người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc của tuần kế tiếp khi ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày lễ. Vì vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, không có quy định về việc nghỉ bù dành cho người lao động đi làm vào ngày lễ. Theo đó, người lao động đi làm vào ngày lễ chỉ được tính lương làm thêm giờ chứ không được nghỉ bù vào ngày khác. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khi đề nghị, thỏa thuận với người lao động về việc đi làm vào dịp lễ dài ngày thì thường sẽ sắp xếp cho người lao động được nghỉ bù sau dịp lễ đó.

Đối với trường hợp của bạn, khi bạn đi làm vào ngày nghỉ lễ 2/9 thì công ty bạn phải trả tiền lương làm thêm giờ vào ngày lễ cho bạn với mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương thực trả theo công việc đang làm ở ngày làm việc bình thường. Như đã nói ở trên, động đi làm vào ngày lễ chỉ được tính lương làm thêm giờ chứ không được nghỉ bù vào ngày khác. Tuy nhiên, bạn có thể đề nghị với công ty về vấn đề nghỉ bù sau dịp lễ đó. Đây là sự thỏa thuận giữa bạn và công ty, vì vậy công ty không bắt buộc phải đồng ý.

Trên đây là những hướng dẫn của chúng tôi về chế độ lương khi làm việc vào ngày nghỉ lễ và vấn đề có được nghỉ bù khi đi làm ngày nghỉ lễ hay không. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Hà Thảo)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn


Xem thêm các bài viết liên quan:

Tư vấn xây dựng thang lương, bảng lương

Khi công ty không trả lương người lao động cần làm gì?



Gọi ngay

Zalo