Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

LƯƠNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ ĐƯƠNG NHIÊN ĐƯỢC TĂNG KHI LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG TĂNG?

Tiền lương là công sức bỏ ra của người lao động khi phục vụ làm việc tại công ty hay xí nghiệp, doanh nghiệp nào đó. Tiền lương của người lao động nhiều hay ít tùy thuộc vào công sức bỏ ra hay phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật... Vậy khi lương tối thiểu của vùng tăng thì lương của người lao động có được tăng lên hay không? Công ty luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp những thắc mắc trên trong bài viết sau đây.

I. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật Lao động năm 2012;

- Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;

- Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

II. Nội dung tư vấn

Theo quy định của pháp luật, khi lương tối thiểu của vùng tăng thì người lao động sẽ được hưởng quyền lợi như sau:

1. Tăng mức tiền lương tháng

Khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tháng trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường phải bảo đảm:

- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

- Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Việc tăng lương sẽ áp dụng với 02 nhóm đối tượng:

- Người đang hưởng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

Bởi theo quy định nêu trên, những người làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện bình thường, đủ thời gian làm việc trong tháng và hoàn thành định mức công việc phải được trả lương ít nhất bằng với mức lương tối thiểu vùng. Khi lương tối thiểu vùng tăng, người lao động đang có mức lương dưới mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng lương để đảm bảo bằng với mức lương tối thiểu vùng.

- Người làm công việc đã qua đào tạo nghề đang hưởng lương thấp hơn 7% mức lương tối thiểu vùng

Khi lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đã qua đào tạo đang hưởng mức lương thấp hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng sẽ đương nhiên được tăng lương để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

2. Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội

Theo Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức lương tháng đóng BHXH. Trong đó, điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định này nêu rõ:

- Mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

- Người làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua đào tạo nghề, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

- Người làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Do đó, lương tối thiểu vùng tăng sẽ là cơ sở buộc các doanh nghiệp đang đóng BHXH cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng phải tăng mức đóng, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng.

3. Tăng mức đóng bảo hiểm y tế

Tại Quyết định 595/QĐ-BHXH khoản 1 Điều 18, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.

Với quy định này, mức đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng tương ứng với mức tăng của mức lương tháng đóng BHXH như đã đề cập.

4. Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Quyết định 595/QĐ-BHXH, Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Trường hợp mức lương tháng cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.

Tương tự như mức đóng BHYT, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ tăng khi tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tăng.

5. Tăng tiền lương ngừng việc

Liên quan đến tiền lương ngừng việc, Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 quy định trong trường hợp phải ngừng việc, nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Nếu vì sự cố điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm… thì tiền lương ngừng việc cũng do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Trên đây là những ý kiến của chúng tôi giải đáp băn khoăn về trường hợp khi lương tối thiểu của vùng tăng thì lương của người lao đông có được tăng không. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Đức Cường)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn


Bài viết liên quan:

Tôi ký hợp đồng có thời hạn làm việc với công ty nhưng tôi nghỉ trước thời hạn có được không?

Công ty tự ý hủy bỏ hợp đồng thì có được hưởng quyền lợi gì?

Có phải thông báo trước khi nghỉ việc không?



Gọi ngay

Zalo