Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

ĐIỀU KIỆN CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG

Cho thuê lại lao động không phải là hiện tượng mới nhưng vẫn là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người. Theo đó cho thuê lại lao động nghĩa là gì? và điều kiện để cho thuê lại lao động được pháp luật quy định hiện nay như thế nào? Công ty luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp những thắc mắc trên trong bài viết sau đây.

I. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật Lao động năm 2019.

II. Nội dung tư vấn

1. Khái niệm cho thuê lại lao động

Căn cứ Điều 52 Bộ luật Lao động năm 2019, cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.

Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.

2. Điều kiện cho thuê lại lao động

a. Đối với doanh nghiệp

Đây được coi là một ngành, nghề kinh doanh, có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định. Bởi vậy, điều đầu tiên nhắc đến đó là phải có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Để được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động cần lưu ý điều kiện sau:

Thứ nhất, thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại: Khoản 1 Điều 5 Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định mức ký quỹ để được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động là 2.000.000.000 đồng. Quý khách hàng phải nộp tiền ký quỹ này tại Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp cho thuê (tức Công ty) mở tài khoản giao dịch chính và được hưởng mức lãi suất từ tiền ký quỹ này theo thỏa thuận với ngân hàng.

Thứ hai, điều kiện về vốn pháp định Khoản 2 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 55/2013/NĐ-CP xác định doanh nghiệp cho thuê để được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải đảm bảo mức vốn pháp định là 2.000.000.000 đồng, đồng thời mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định trong suốt quá trình hoạt động.

Thứ ba, điều kiện về trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cho thuê: Trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cho thuê phải ổn định và có thời hạn ít nhất từ 02 năm trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký kinh doanh thì trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 02 năm trở lên. Đối với trường hợp trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cho thuê là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký kinh doanh, giấy tờ hợp lệ để chứng minh là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của người đứng tên (hướng dẫn theo Điều 4 Thông tư 01/2013/TT-BLĐTBXH).

Thứ tư, điều kiện về người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho thuê: Người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho thuê phải đáp ứng được các điều kiện theo Điều 8 Nghị định 55/2013/NĐ-CP: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng; có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 03 năm trở lên; trong 03 năm liền kề trước khi đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, không đứng đầu doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không tái phạm hành vi giả mạo hồ sơ xin cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ xin cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

b. Về nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động

Mối quan hệ cho thuê lại lao động là một vấn đề có tính chất rất phức tạp bởi nó tồn tại quan hệ bởi 3 bên tham gia, khi người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động và đã giao kết hợp đồng lao động ban đầu. Do đó, nguyên tắc trong hoạt động cho thuê lại lao động được quy định tại Điều 53 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:

- Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.

- Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây: đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

- Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây: để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động; không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động; thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

- Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

c. Đối với Hợp đồng cho thuê lại lao động

Tại khoản 1 Điều 55 Bộ luật Lao động năm 2019, quy đinh doanh nghiệp (công ty) cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký Hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 55 Bộ luật Lao động năm 2019, đối với nội dung của Hợp đồng cho thuê lại lao động bao gồm như sau:

- Địa điểm làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;

- Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

- Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.

d. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Ngoài các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 6 của Bộ luật Lao động năm 2019 theo Điều 56 Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động đã ký với người lao động;

- Thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động;

- Thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động;

- Bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau;

- Lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động và định kỳ báo cáo cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động.

đ, Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động

Theo Điều 57 Bộ luật Lao động năm 2019, quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động được thể hiện như sau:

- Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.

- Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.

- Thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật này.

- Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.

- Trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

- Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.

e. Quyền và nghĩa vụ của người lao động thuê lại

Tại Điều 58 Bộ luật Lao động năm 2019,người lao động thuê lại có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động;

- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát hợp pháp của bên thuê lại lao động;

- Được trả lương không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau;

- Khiếu nại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong trường hợp bị bên thuê lại lao động vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê lại lao động;4

- Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động để giao kết hợp đồng lao động với bên thuê lại lao động.

Bên cạnh đó còn thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lời theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Như vậy, Điều kiện cho thuê lại lao động phải đáp ứng các điều kiện như trên bởi lẽ đây là một quan hệ dân sự giữa 3 bên rất phức tạp điều này có thể dẫn đến vi phạm pháp luật mà không phải ai trong chúng ta hay biết. Nhưng việc phát triển hình thức “cho thuê lại lao động” là một tín hiệu đáng mừng nó sẽ góp phần tạo thêm kênh giải quyết việc làm, kết nối cung – cầu lao động hiệu quả; điều tiết thị trường lao động, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Trên đây là những ý kiến của chúng tôi giải đáp băn khoăn về vấn đề điều kiện cho thuê lại lao động. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Đức Cường)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn


Bài viết liên quan:

- Dịch vụ tư vấn thủ tục xin hưởng bảo hiểm thai sản



Gọi ngay

Zalo