Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

MUỐN TRỞ THÀNH PHÁP NHÂN CẦN ĐÁP ỨNG NHỮNG ĐIỀU KIỆN GÌ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ MỚI NHẤT

MUỐN TRỞ THÀNH PHÁP NHÂN CẦN ĐÁP ỨNG NHỮNG ĐIỀU KIỆN GÌ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ MỚI NHẤT

Pháp nhân là gì? Dấu hiệu nào để nhận biết một pháp nhân? Khi nào thì một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân? Một tổ chức muốn trở thành pháp nhân phải đáp ứng điều kiện như thế nào? Để trả lời cho những câu hỏi, thắc mắc trên dưới đây là những tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam:

1.Cơ sở pháp lý:

Bộ Luật Dân sự năm 2015.


2.Nội dung tư vấn:

Mặc dù Bộ luật dân sự đã quy định bốn điều kiện khá cụ thể, rõ ràng tại điều 74 BLDS 2015, tuy vậy cần phải phân tích các điều kiện trên để thấy rõ được muốn trở thành một pháp nhân cần phải đáp ứng những gì?

Điều kiện để trở thành pháp nhân bao gồm:

Thứ nhất, pháp nhân phải được thành lập hợp pháp

Một pháp nhân được thành lập hợp pháp khi được pháp luật cho phép hoặc thừa nhận, nói cách khác thì phải được thành lập theo trình tự, thủ tục luật định.

Việc thành lập đăng ký pháp nhân được quy định tại Điều 82 Bộ luật dân sự năm 2015.

“1. Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật.

3. Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai.”

Trên cơ sở mục đích, nhiệm vụ, chức năng của một tổ chức mà Nhà nước bằng pháp luật công nhận tổ chức đó là pháp nhân thông qua các hình thức: Cơ quan có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng kí hoặc công nhận thành lập. Tính hợp pháp của pháp nhân giúp pháp nhân đó tham gia các quan hệ pháp luật và tồn tại dưới sự kiểm soát, đảm bảo của Nhà nước nhằm phù hợp với ý chí của Nhà nước đó. Do đó, tổ chức thành lập không hợp pháp thì không được coi là pháp nhân, tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.

Thứ hai, pháp nhân phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Cơ cấu tổ chức của pháp nhân được quy định tại Điều 83 Bộ Luật Dân sự năm 2015

“1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.”

Cơ cấu tổ chức chặt chẽ giúp cho pháp nhân trở thành một thể thống nhất, vận hành, hoạt động một cách có hiệu quả. Cơ cấu tổ chức chặt chẽ nghĩa là pháp nhân phải có sự sắp xếp, phân bổ nguồn nhân lực vào các bộ phận như phòng, ban… và quy định cho từng bộ phận đó những chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong Điều lệ. Tuy nhiên, điều kiện này có lẽ chưa thực sự chính xác và không cần thiết vì trong một số trường hợp (Chẳng hạn công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên…) tổ chức không đáp ứng điều kiện này nhưng vẫn được coi là pháp nhân.

Thứ ba, pháp nhân phải có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó

Tài sản của pháp nhân bao gồm “vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.”

Pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Nội dung này thể hiện mối quan hệ giữa pháp nhân với thành viên pháp nhân và được thể hiện ở quy định tại khoản 2 và 3 Điều 87 Bộ luật dân sự năm 2015.:

“2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Theo đó pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho thành viên đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, còn thành viên thì không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện.

Thứ tư, pháp nhân nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập

Điều kiện này xuất phát từ việc tách bách tài sản (tài sản độc lập) với các cá nhân, tổ chức khác. Với việc sở hữu một khối tài sản riêng, pháp nhân có đủ khả năng để hưởng, tự mình thực hiện các quyền và chịu nghĩa vụ khi tham gia các quan hệ dân sự. Điều này được thể hiện rõ tại Điều 86 Bộ luật dân sự năm 2015.

“1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.

3. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.”

Mặt khác, các chủ thể thành lập pháp nhân khi thành lập đã chuyển quyên sở hữu những tài sản mà mình muốn vào khối tài sản chung, do đó cần có một sự thống nhất về mặt ý chí trong việc sử dụng khối tài sản đó. Dựa trên tiêu chí này, pháp luật đã trừu tượng hóa điều đó thành “ý chí” của pháp nhân, tức là trao cho pháp nhân một tư cách để pháp nhân nhân danh chính mình tham gia các quan hệ dân sự.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của Bộ Luật Dân sự mới nhất. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Dương)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn



Gọi ngay

Zalo