TƯ VẤN XÁC ĐỊNH THỪA KẾ CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ QUYỀN THỪA KẾ DI SẢN CỦA NHAU MÀ CHẾT CÙNG THỜI ĐIỂM.
TƯ VẤN XÁC ĐỊNH THỪA KẾ CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ QUYỀN THỪA KẾ DI SẢN CỦA NHAU MÀ CHẾT CÙNG THỜI ĐIỂM.
Thừa kế được hiểu là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết sang cho người còn sống. Thực tế cho thấy có những trường hợp người được hưởng thừa kế lại chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản. Khi đó, pháp luật cho phép con của người thừa kế được hưởng phần di sản mà lẽ ra bố mẹ chúng sẽ được hưởng theo pháp luật nếu còn sống.
1. Những người có quyền hưởng di sản thừa kế
Khi một người trong gia đình chết, những người còn lại có quyền được hưởng thừa kế tài sản của người chết để lại, nếu người chết không để lại di chúc định đoạt cụ thể người hưởng di sản là ai và phần di sản được hưởng thì những người được quyền thừa kế sẽ xác định theo Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, những người được hưởng thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm
Tại Điều 619 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thừa kế trong trường hợp chết cùng thời điểm như sau:
“Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này”.
Về nguyên tắc, kể từ thời điểm người để lại di sản chết (thời điểm mở thừa kế), di sản sẽ được chia cho những người thừa kế của người chết theo di chúc hoặc theo pháp luật. Đối với người thừa kế là cá nhân, thì người đó phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc đã thành thai vào thời điểm mở thừa kế, sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế.
Trong thực tế, có nhiều trường hợp người có quyền thừa kế di sản của nhau cùng chết trong một tai nạn làm chết nhiều người cùng một lúc như đắm tàu, tai nạn xe lửa, tai nạn máy bay, động đất, v.v.., việc xác định người nào chết trước, người nào chết sau có ý nghĩa quan trọng, vì người chết sau là người thừa kế di sản của người chết trước.
Trong trường hợp không có đủ chứng cứ xác định ai chết trước ai chết sau thì ta coi như họ là những người chết cùng một thời điểm khi đó, thừa kế trong trường hợp chết cùng thời điểm sẽ được giải quyết như sau: vì người được quyền hưởng thừa kế đó không còn sống tại thời điểm mở thừa kế nên họ sẽ không được hưởng dài sản thừa kế của nhau và không được thừa kế di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng. Trừ khi thuộc trường hợp thừa kế thế vị.
Điều 652 theo Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị ta có:
“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Trường hợp này được hiểu là việc con thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của ông nội, bà nội hoặc ông ngoại, bà ngoại đối với phần di sản mà cha mẹ được hưởng nếu còn sống nhưng cha đã chết trước hoặc cùng thời điểm với ông nội, bà nội hoặc mẹ đã chết trước hoặc cùng thời điểm với ông ngoại, bà ngoại; đồng thời cũng là việc con thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của cụ đối với phần di sản mà cha, mẹ được hưởng nhưng cha, mẹ đã chết trước hoặc cùng một thời điểm với cụ.
Quy định tại Điều 619 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp về thừa kế của những người chết trong cùng một thời điểm, mà vẫn bảo đảm quyền lợi cho những người được hưởng quyền thừa kế.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC về xác định thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm theo quy định Bộ luật Dân sự 2015. Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
NTĐ
Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn