Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

QUYỀN CỦA BỊ HẠI THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

QUYỀN CỦA BỊ HẠI THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

Người bị hại từ trước đến nay luôn luôn được sự đồng cảm, sẻ chia từ gia đình, bạn bè, cá nhân, tổ chức và từ cộng đồng. Bởi lẽ, họ là những người bị thiệt hại về tinh thần, thể xác, vật chất.. lợi ích và quyền hợp pháp do người khác xâm phạm. Có những vụ việc, người bị hại được cả cộng đồng thương xót, bởi hậu quả họ phải đón nhận rất thương tâm như: Thương tật vĩnh viễn, trấn thương sọ não, sang trấn tâm lý, tâm thần…đặc biệt là người bị hại là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em, vị thành niên, người già neo đơn... Có những trường hợp, vì lý do khách quan và chủ quan, người bị hại không được ghi nhận, oan ức, kiện tụng kéo dài, không được bồi thường…

Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 đã có những quy định rõ ràng để bảo vệ người bị hại, mặc dù bên cạnh đó còn một số bất cập. Vậy, như thế nào được xác định là bị hại? Người bị hại có quyền, nghĩa vụ gì? Người bị hại cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình? Xin vui lòng đọc tiếp dưới đây.

I. Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;


II. Tư vấn

Hậu quả trong vụ việc hình sự không chỉ là người bị hại phải gánh chịu trực tiếp, bên cạnh đó còn có cả những người thân, người trong gia đình cũng phải gánh chịu hậu quả và thậm chí là có cả yếu tố cộng đồng, xã hội.

Theo quy định tại Điều 62, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

1. Đặc điểm của bị hại.

Bao gồm các đặc điểm sau đây:

- Về chủ thể: Bị hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức.

- Thiệt hại do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra về tinh thần, thể chất, tài sản, uy tín.

- Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả gây ra cho bị hại. Tức là có yếu tố “trực tiếp bị thiệt hại”, nếu “gián tiếp bị thiệt hại” thì trường hợp này không được coi là bị hại.

- Bị hại chỉ được tham gia tố tụng với tư cách là bị hại khi và chỉ khi được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận.

2. Quyền của bị hại hoặc người đại diện của bị hại

Trước khi đi vào quy định về quyền của bị hại tại Điều 62, Bộ luật tố tụng hình sự thì quay trở lại một phần về tố giác tội phạm. Trong trường hợp khi quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm thì khi đó chúng ta có quyền làm đơn tố giác tội phạm; nạn nhân có quyền trực tiếp hoặc thông qua người đại diện tố giác tội phạm. Ở giai đoạn tố giác tội phạm, khi chưa có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) xác định bị hại của tội phạm thì khi đó chưa xác định quyền của bị hại theo quy định pháp luật. Vì vậy tránh hiểu nhầm về quyền của bị hại với việc quyền của người tố giác tội phạm. Dưới đây là quyền của bị hại hoặc người đại diện của bị hại:

- Quyền được cơ quan tiến hành tố tụng thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị hại.

- Trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng bị hại hoặc người đại diện của bị hại đều có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu để xác định, chứng minh hành vi phạm tội của người đã xâm phạm mình. Được quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá.

- Đề nghị giám định, định giá tài sản, giám định lại, định giá lại tài sản. Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật. Người bị hại hoặc đại diện của người bị hại có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

- Quyền được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án.

Trong giai đoạn điều tra, khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra và khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra phải thông báo cho bị hại và người đại diện của bị hại.

Trong giai đoạn truy tố, khi Viện kiểm sát ra các quyết định như quyết định truy tố bị can trước tòa án, quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, quyết đình đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, quyết định phục hồi vụ án thì Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo cho bị hại hoặc người đại diện của bị hại.

Trong giai đoạn xét xử, Tòa án giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị hại chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa. Các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi vụ án của Tòa án được giao cho bị hại hoặc người đại diện của bị hại trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tòa án tuyên án sơ thẩm phải giao bản án cho bị hại hoặc người đại diện của bị hại.

- Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường.

- Quyền tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến tại phiên tòa, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa.

- Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa.

- Quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án.

Trường họp bị hại hoặc người đại diện của hị hại bị chết hoặc người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Trường hợp bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại thì bị hại có thể ủy quyền cho người khác. Người được ủy quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.

- Quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng.

Lưu ý: Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.

Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị hại. Trường hợp cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ như đã nêu trên.

3. Nghĩa vụ của bị hại hoặc người đại diện của bị hại

- Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng (Như: Thiên tai, hỏa hoạn, địch họa…) hoặc không do trở ngại khách quan (Như: Tai nạn không thể đi được, ốm nặng dẫn đến không nhận thức được, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan tố tụng…) thì có thể bị dẫn giải.

- Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trên đây là những điều mà bị hại và người đại diện của bị hại cần biết./.

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn



Gọi ngay

Zalo