Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

KHI NÀO ĐƯỢC PHÉP MỞ LỐI ĐI QUA BẤT ĐỘNG SẢN LIỀN KỀ?

Đối với đời sống hằng ngày, việc mở lối đi phục vụ cho sự di chuyển, qua lại của con người là rất cần thiết để con người thực hiện các công việc phục vụ nhu cầu, mục đích của bản thân. Đặc biệt trong thực tế tồn tại vấn đề liên quan đến việc mở lối đi qua một bất động sản liền kề từ một bất động sản khác không thuộc cùng một chủ sở hữu. Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Vậy thì theo quy định của pháp luật, khi nào được phép mở lối đi qua bất động sản liền kề? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp băn khoăn trong bài viết sau.

I. Cơ sở pháp lý

Bộ luật Dân sự năm 2015.

II. Nội dung tư vấn

1. Tìm hiểu quyền về lối đi qua

Căn cứ Điều 245 Bộ luật Dân sự 2015, quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền). Theo quy định tại Mục 1 của Bộ luật Dân sự 2015 về quyền đối với bất động sản liền kề, quyền về lối đi qua được ghi nhận là một trong các quyền đối với bất động sản liền kề. Theo đó, quyền về lối đi qua là quyền của chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc có quyền yêu cầu được mở một lối đi trên phần đất của chủ sở hữu bất động sản vây bọc phù hợp theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện để được mở lối đi qua bất động sản liền kề

Theo Khoản 1, Điều 254 BLDS 2015, điều kiện để được mở lối đi qua bất động sản liền kề là:

Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng.

Như vậy, điều kiện thứ nhất để được mở lối đi là bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác, Bộ luật dân sự không đưa ra khái niệm cụ thể về bất động sản bị vây bọc nhưng có thể hiểu bất động sản bị vây bọc là bị bao vây bởi một hoặc nhiều bất động sản xung quanh dẫn đến không thể trực tiếp lưu thông với đường công cộng hoặc đường lưu thông quá nhỏ dẫn đến việc sử dụng, khai thác bất động sản bị hạn chế.

Điều kiện thứ hai là bất động sản của chủ sở hữu bị vây bọc đó không có lối đi hoặc có lối đi nhưng mà không đủ. Không có lối đi nghĩa là không có bất cứ một lối đi nào kết nối bất động sản với bên ngoài, chủ sở hữu sẽ không thể thông thương với đường công cộng cũng như không thể khai thác, sử dụng bất động sản của mình. Còn không đủ lối đi được hiểu là thực tế vẫn có lối đi nhưng do lối đi quá hẹp hoặc quá ngắn không đủ để chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc có thể đi ra đến đường công cộng, việc khai thác, sử dụng bất động sản bị hạn chế.

Từ những điều kiện trên mà chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc mở cho mình một lối đi. Việc mở lối đi qua bất động sản liền kề không phải thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và hạn chế thiệt hại gây ra cho bất động sản có mở lối đi. Khoản 2 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Bên cạnh đó, chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong mà không có đền bù (Khoản 3 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015).

Như vậy theo quy định của pháp luật dân sự đã phân tích ở trên, một chủ thể có quyền được mở lối đi qua bất động sản liền kề nếu như bất động sản của chủ thể đó bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng.

Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về điều kiện để được phép mở lối đi qua bất động sản liền kề theo quy định của pháp luật. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Trần Thị Mỹ Anh)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn



Gọi ngay

Zalo