Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

ĐIỀU KIỆN ĐỂ GIAO DỊCH DÂN SỰ CÓ HIỆU LỰC

Các giao dịch dân sự là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội con người. Nó diễn ra liên tục, hàng ngày, hằng giờ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Giao dịch dân sự có thể là việc lập di chúc, mua bán trao đổi hàng hóa giữa những người dân với nhau, sự thỏa thuận cung cấp dịch vụ, sự hợp tác kí kết hợp đồng của các công ty...Việc pháp luật đặt ra các quy định về điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực nhằm đáp ứng việc xã hội ngày càng phát triển, các giao dịch dân sự trong đời sống diễn ra ngày càng đa dạng phức tạp, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan. Vậy giao dịch dân sự như thế nào được coi là có hiệu lực? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp băn khoăn trong bài viết sau.

I. Cơ sở pháp lý

Bộ luật Dân sự năm 2015.

II. Nội dung tư vấn

1. Khái niệm về giao dịch dân sự

Theo Điều 116, Bộ luật Dân sự 2015 thì giao dịch dân sự được định nghĩa là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy, có thể hiểu rằng giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý dưới dạng hành vi pháp lý làm phát sinh hậu quả pháp lý.

Giao dịch dân sự là hành vi có ý thức của chủ thể tham gia nhằm đạt được mục đích nhất định, cho nên nó thể hiện ý chí của các bên tham gia giao dịch. Ý chí của các bên tham gia giao dịch được biểu lộ ra bên ngoài, thông qua những hình thức nhất định để các chủ thể khác biết được ý chí của chủ thể muốn tham gia vào một giao dịch dân sự. Do đó, giao dịch dân sự là sự thống nhất và bày tỏ ý chí của các chủ thể tham gia.

Từ định nghĩa về giao dịch dân sự có thể nhận thấy giao dịch dân sự được thể hiện dưới hình thức hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng. Trong đó, hành vi pháp lý đơn phương được hiểu là giao dịch thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự (biểu hiện rõ nhất là ở việc lập di chúc). Còn hợp đồng dân sự được hiểu là giao dịch thể hiện ý chí của hai hay nhiều bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Đây cũng là giao dịch dân sự phổ biến nhất trong đời sống. Trong quan hệ hợp đồng, ý chí của một bên được đưa ra đòi hỏi sự đáp lại của bên kia. Các bên sẽ thỏa thuận, đàm để đi đến sự thống nhất ý chí của các bên, từ đó mới hình thành hợp đồng. Thỏa thuận là nguyên tắc cơ bản, đặc trưng của hợp đồng dân sự.

Giao dịch dân sự chính là cơ sở pháp lý quan trọng làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự, cũng là mục đích mà chủ thể tham gia giao dịch hướng đến.

2. Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể bao gồm những điều kiện sau:

- Thứ nhất là điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Chủ thể ở đây được xác định là cá nhân và pháp nhân tham gia giao dịch.

Đối với cá nhân thì chỉ có những người có năng lực hành vi dân sự mới làm chủ được nhận thức của mình, đồng thời thông qua hành vi của mình để xác lập giao dịch dân sự, cũng như cá nhân đó phải chịu trách nhiệm về việc xác lập và thực hiện giao dịch (năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định từ Điều 16 đến Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015).

Đối với pháp nhân thì khi tham gia giao dịch phải thông qua người đại diện. Theo Điều 85 Bộ luật Dân sự 2015 quy định đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Các quyền, nghĩa vụ do người đại diện xác lập làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân. Tuy nhiên pháp nhân chỉ tham gia các giao dịch dân sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Người đại diện xác lập giao dịch dân sự làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân trong phạm vi nhiệm vụ của chủ thể đó được điều lệ hoặc pháp luật quy định.

- Điều kiện thứ hai là chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, quy định tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015. Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, tự nguyện bao gồm các yếu tố cấu thành là tự do ý chí và bày tỏ ý chí. Mọi sự ép buộc, đe dọa, áp đặt ý chí lên chủ thể trong giao dịch sẽ làm cho giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu giao dịch dân sự có yếu tố giả tạo thì cũng vô hiệu theo Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu nhầm lẫn thì sẽ bị vô hiệu theo Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015.

- Thứ ba là mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Theo Điều 118 Bộ luật Dân sự 2015, mục đích của giao dịch dân sự là là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó, còn nội dung là sự tổng hợp các điều khoản, các cam kết của các chủ thể, quy định về quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể. Do đó mà mục đích và nội dung của giao dịch có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong thực tế, không phải lúc nào mục đích tham gia giao dịch của các chủ thể là hợp pháp. Để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015, điều cấm của luật là những quy định luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Còn đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và thực hiện

- Và cuối cùng, để giao dịch dân sự có hiệu lực thì cần phải đáp ứng các quy định của pháp luật về hình thức. Hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch dân sự. Thông qua đó, bên đối tác cũng như người thứ ba có thể biết được nội dung của giao dịch dân sự đã xác lập. Hình thức của giao dịch dân sự là chứng cứ xác nhận các quan hệ tồn tại giữa các bên, qua đó xác định trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm xảy ra.

Hình thức thể hiện của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 là bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể; đối với trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo. Các chủ thể khi tham gia xác lập giao dịch có quyền lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự.

Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về vấn đề điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Trần Thị Mỹ Anh)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn


Xem thêm các bài viết liên quan:

Hợp đồng bị vô hiệu thì xử lý như thế nào?

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

Phân biệt hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương

Giao dịch dân sự có điều kiện là gì?

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu



Gọi ngay

Zalo