Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

UBND huyện Đô Lương thua kiện – Kỳ 2: Có dấu hiệu trốn Thi hành án Dân sự

(PL&DS) – Việc UBND huyện Đô Lương (Nghệ An) thua kiện nhưng không thực hiện theo bản án, luật sư cho rằng việc làm đó là hành vi có dấu hiệu trốn Thi hành án Dân sự.

PL&DS đã phản ánh việc UBND huyện Đô Lương (Nghệ An) bị Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tỉnh Nghệ An tuyên thua kiện, nhưng không thực hiện theo bản án, thể hiện thiếu thượng tôn pháp luật. Chính vì vậy, ông Đặng Hữu Mậu tiếp tục làm đơn đi đòi quyền lợi chính đáng.

Trong việc này, UBND huyện Đô Lương đã có vi phạm pháp luật? Và ông Mậu sẽ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi UBND huyện Đô Lương không chịu thực hiện phán quyết của Tòa? PL&DS xin trích dẫn điểm của Luật sư Nguyễn Doãn Hùng thuộc Cty Luật TNHH HTC Việt Nam thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Doãn Hùng cho rằng: "Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An ban hành ngày 6/7/2016 tính đến thời điểm hiện nay đã quá thời gian thi hành án.

TAND tỉnh Nghệ An cũng đã có những quyết định rõ ràng, cụ thể: Hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông Việt, đồng thời khắc phục hiện trạng thực tế ban đầu.

UBND tỉnh Nghệ An cũng có văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc thi hành bản án này. Tuy nhiên, lấy lý do là vụ việc phức tạp, Tòa án chưa nêu rõ hướng giải quyết nên UBND huyện Đô Lương đã lảng tránh trách nhiệm không thực hiện.

Trốn tránh Thi hành án Dân sự (THADS) là một trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng án có điều kiện thi hành mà trở thành… án tồn đọng – gánh nặng lớn nhất cho công tác THADS hiện nay ở nước ta. Không những thế, việc không thi hành được còn dẫn đến tình trạng coi thường hiệu lực của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND. Vì thế, pháp luật đã có những qui định về việc cưỡng chế Thi hành án (THA).

Việc “phớt lờ” bản án ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, nghĩa vụ của những bên liên quan trong vụ việc. Có thể xem đây là những dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật về THADS. Nếu UBND huyện Đô Lương vẫn không tự giác chấp hành quyết định của Tòa án thì Chi cục thi hành án có quyền tổ chức cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Trong trường hợp cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA thì cơ quan công an tỉnh Nghệ An và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp thực hiện theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan THA hoặc chấp hành viên.

Ở trường hợp này, ông Đặng Hữu Mậu có thể làm đơn gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đô Lương yêu cầu thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Nếu UBND huyện không thi hành bản án của Tòa thì sẽ phải chịu những chế tài sau theo quy định của pháp luật hiện hành:

Đó là những quy định cụ thể tại Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Theo đó, Điều 12 Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định khi nhận được quyết định buộc THA hành chính, người phải THA có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải THA có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.

Ngoài ra, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp trong việc THA hành chính, Điều 34 Nghị định 71/2016/NĐ-CP nêu rõ:

UBND cấp tỉnh, cấp huyện phải chỉ đạo UBND cấp dưới và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND nghiêm chỉnh THA hành chính.

UBND các cấp phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của người phải THA: Chấp hành đúng, đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định của tòa án; thông báo cho người được THA, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú; thông báo kết quả THA cho tòa án đã xét xử sơ thẩm, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp và cơ quan THA dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm trong trường hợp người phải THA là cơ quan...

Trong trường hợp này, người phải THA là cơ quan (UBND huyện), không thi hành bản án của tòa thì sẽ bị công khai việc không chấp hành bản án theo Điều 30 Nghị định 71/2016/NĐ-CP (công khai thông tin về việc không chấp hành án) như sau:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định buộc THA hành chính, Cục THA dân sự tổ chức công khai quyết định buộc THA hành chính bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục THA dân sự đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục và các chi cục THA dân sự trực thuộc.

Thông tin công khai gồm: Tên, địa chỉ của người phải THA; Số, ngày, tháng, năm và tên tòa án ra quyết định buộc THA hành chính; Nghĩa vụ phải thi hành.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc THA hành chính để xảy ra hậu quả nghiêm trọng tùy mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, cách chức hoặc buộc thôi việc (mục 1 chương III Nghị định71/2016/NĐ-CP quy định)".

Liên quan tới vụ việc này, trước thái độ bất hợp tác từ UBND huyện Đô Lương và gia đình ông Nguyễn Văn Việt, ông Đặng Hữu Mậu đã làm đơn tố cáo gửi Viện kiểm sát Nhân dân huyện và công an huyện Đô Lương để được điều tra làm rõ hành vi làm khống giấy tờ hồ sơ cũng như hành vi chiếm đoạt tài sản của công dân.

PL&DS tiếp tục thông tin nội về vụ việc này.

PV: Hoàng Phạm

Nguồn: http://phapluatdansinh.phapluatxahoi.vn/ubnd-huyen...

Bài liên quan:

UBND huyện Đô Lương thua kiện- Kỳ 1: Phớt lờ phán quyết của Tòa để "hành" dân?



Gọi ngay

Zalo