Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định của Luật hộ tịch năm 2014

Quyền được khai sinh và có quốc tịch là một trong những quyền quan trọng và đầu tiên của trẻ em đã được quy định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước ta và trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989[1] (Thông qua và mở cho các nước ký, phê chuẩn và gia nhập theo nghị quyết 44/25 ngày 20/11/1989 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Có hiệu lực từ ngày 02/9/1990 theo Điều 49 của Công ước. Việt Nam phê chuẩn ngày 20/02/1990); Công ước Quốc tế về những quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực ngày 23/3/1976, căn cứ theo Điều 49) mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Mà theo đó, tại khoản 2 Điều 24 của Công ước này có quy định:“Mọi trẻ em đều phải được đăng ký khai sinh ngay sau khi ra đời và phải có tên gọi.”

Đăng ký khai sinh cho trẻ em không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm. Những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đăng ký khai sinh cho trẻ em. Mà theo đó, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con. Trường hợp, nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em. Nếu quá thời hạn trên mà trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, thì trẻ em vẫn được đăng ký khai sinh nhưng phải đăng ký theo thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn, cụ thể: i). Người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nếu cơ quan có thẩm quyền đã thông báo mà không tìm thấy cha mẹ; ii). Đối với người đủ 18 tuổi trở lên, nếu không thể trực tiếp đến UBND cấp xã có thẩm quyền để thực hiện đăng ký khai sinh cho bản thân, thì có thể uỷ quyền cho người khác làm thay. Việc uỷ quyền phải bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người uỷ quyền, thì không cần có văn bản uỷ quyền

Đăng ký khai sinh là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ra đời của mỗi đứa trẻ, giấy khai sinh là bằng chứng pháp lý đầu tiên chứng minh sự tồn tại của một công dân. Giấy khai sinh có giá trị xuyên suốt cuộc đời của mỗi người, đặc biệt trong việc chứng minh độ tuổi, quan hệ cha mẹ và con cái hay chứng minh quyền thừa kế tài sản …Việc đăng ký khai sinh là cơ sở để xác định quốc tịch của con và là điều kiện để con được hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp được nhà nước bảo hộ (ví dụ: quyền học tập, quyền được chăm sóc y tế, quyền có tài sản....). Nhà nước đảm bảo quyền được đăng ký khai sinh cho trẻ em; cá nhân, tổ chức làm tròn nghĩa vụ đăng ký khai sinh của mình sẽ góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

So với quy định trước đây về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em, nhất là với những trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi; đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ;… Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch (viết tắt Nghị định 123/2015/NĐ-CP); Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch (viết tắt Thông tư 15/2015/TT-BTP), đã có bổ sung, sửa đổi nhiều quy định theo hướng thông thoáng hơn, bảo đảm quyền được khai sinh của trẻ em thực thi trên thực tế đạt hiệu quả hơn, nhất là các trường hợp “đặc biệt” khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn có những vướng mắc, do một số quy định của luật với văn bản hướng dẫn còn chung chung, thậm chí không phù hợp với nhau, nên không thể vận dụng vào thực tiễn một cách có hiệu quả, hay nói cách khác, tuy đã có quy định theo hướng mở nhưng trong một số trường hợp vẫn gặp bế tắc. Cụ thể:

Theo quy định về quyền có họ, tên tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017) có quy định: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.”

Tại khoản 2 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014 có quy định: “Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.”. Nhưng tại ý 2 khoản 3 Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, có quy định việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau:“3. ..Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.”

Khoản 2 và khoản 3 Điều 15 của Nghị định này quy định việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi, như sau:

“2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1[2] Điều 25 của Luật Hộ tịch thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này”.

Vấn đề đặt ra, mặc dù BLDS năm 2015 hiện tại chưa có hiệu lực thi hành, nhưng quy định về họ, tên của cá nhân như trên đã trích dẫn của Bộ luật này, so với quy định tại khoản 3 Điều 14 và khoản 2, khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP vừa nêu là chưa thật phù hợp với nhau. Cụ thể: Theo ý 3 khoản 2 Điều 26 BLDS năm 2015: “Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.”. Trong khi đó, với trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ, tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ. Từ sự khác biệt này, cơ quan hộ tịch cấp cơ sở nói chung, người yêu cầu đăng ký khai sinh cho đứa trẻ rơi vào trường hợp trẻ sinh ra bị bỏ rơi; chưa xác định được cha, mẹ nói riêng sẽ phải chấp hành quy định nào? Chẳng hạn với trường hợp sau: Trần C, sinh năm 1996 sống chung như vợ chồng với Cao Nguyễn H, sinh năm 1997 từ năm 2013. Ngày 18/ 4/2014, H sinh được một cháu gái tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh T. Khi ra viện, gia đình của C đón mẹ con của H về nhà chăm sóc được 15 ngày, thì H bỏ nhà đi biền biệt cho đến hiện tại vẫn chưa liên lạc được với C. Do C và H chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, hơn nữa, H đã bỏ đi không để lại giấy tờ tùy thân nào nên gặp nhiều khó khăn khi đăng ký khai sinh cho cháu gái là con của hai người. Dù chưa thể đăng ký khai sinh cho cháu theo quy định của pháp luật, nhưng gia đình của C đã đặt tên cho cháu là Trần Hồng Th. Vậy, nếu theo quy định tại ý 3 khoản 2 Điều 26 BLDS năm 2015, khi người nuôi dưỡng cháu Th (anh C) đăng ký khai sinh cho cháu được quyền khai họ của cháu là họ Trần. Nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì khi người yêu cầu đăng ký khai sinh cho cháu trong trường hợp này không được lấy họ của người nuôi dưỡng, mà phải theo họ của người mẹ, cụ thể trường hợp này họ của cháu gái đó phải là họ Cao, nhưng trước đó họ, tên của cháu gái được gia đình thống nhất đặt là Trần Hồng Th. Đây rõ ràng là bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật liên quan đến quyền có họ tên của cá nhân, quyền về hộ tịch của mỗi người, rất mong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trường hợp tác giả vừa đề cập.

Vấn đề chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con được hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP. Mà theo đó, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1[3] Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

“1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.

Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.”

Thực tiễn công tác hộ tịch ở cấp cơ sở cho thấy, hầu hết các trường hợp đăng ký khai sinh mà chưa xác định được cha, mẹ đều rơi vào hoàn cảnh gia đình rất éo le, mà cả người nam và nữ trình độ hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế, nhất là pháp luật về hôn nhân và gia đình; điều kiện kinh tế thật sự khó khăn; phần lớn thuộc dân tộc ít người, địa bàn cư trú là vùng núi cao, vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh,…Chính vì vậy, không ít số trẻ em sinh ra thường thuộc một trong các trường hợp sau: Cả hai người (cha, mẹ) đều chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nhưng đã sống với nhau như vợ chồng và có con chung; Hoặc sống “thử” với nhau một thời gian, sau khi sinh con, cả cha và mẹ đều qua đời do tai nạn lao động hoặc bị phạt tù án chung thân do buôn bán chất ma túy hoặc trước khi bỏ đi biệt xứ, người mẹ đã giao con cho gia đình của người bố nuôi dưỡng mà không để lại bất cứ thông tin, giấy tờ tùy thân nào, kể cả giấy chứng sinh đứa bé,… Theo quy định vừa nêu, chứng cứ để chứng minh về quan hệ cha con, quan hệ mẹcon có thể chia ra gồm 02 trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhât: Có một trong những văn bản sau: Văn bản của cơ quan y tế; Văn bản xác nhận kết quả của cơ quan giám định AND; Văn bản xác nhận của cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

Với văn bản xác nhận kết quả giám định AND của cơ quan giám định cung cấp thì không có gì phải bàn luận thêm. Nhưng với quy định chứng cứ chứng minh quan hệ cha con có thể bằng văn bản của cơ quan y tế, thì vấn đề đặt ra, văn bản của cơ quan y tế xác nhận phải dựa trên cơ sở pháp lý nào, ngoại trừ kết quả giám định ADN và cơ quan y tế cấp nào có thẩm quyền xác nhận? Đây là quy định mà cho đến nay, cơ quan hộ tịch và cán bộ hộ tịch địa phương hầu như chưa đưa ra lời giải đáp thỏa đáng khi người dân thắc mắc. Vậy, văn bản của cơ quan y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP có thể là Văn bản xác nhận của bệnh viện Đa khoa huyện về việc hộ sinh của bệnh viện này có sự nhầm lẫn khi xác định con của sản phụ này thành con của sản phụ khác có được không? Văn bản xác định một số yếu tố trong huyết thanh, xác định một số enzyme? Văn bản thể hiện kết quả xét nghiệm nhóm máu có được không?...Vì thông qua việc phân tích nhóm máu, cơ quan y tế có thể xác định quan hệ huyết thống. Bởi hệ thống nhóm máu A, B, O được di truyền theo quy luật Mendel và có 4 nhóm máu cơ bản là A, B, O và AB. Quy định nhóm máu gồm 3 gen mang tính trạng trội là Alen, Alen lA, lB và một mang tính trạng lặn là Alen lO. Vì vậy người nhóm máu A có thể mang kiểu gen lAlA hoặc lAlO; người nhóm máu B có thể mang kiểu gen lBlB hoặc lBlO; người có nhóm máu AB mang kiểu gen lAlB; người nhóm máu O mang kiểu gen lOlO. Như vậy, bố nhóm máu A, mẹ nhóm máu B hoặc ngược lại có thể sinh ra con nhóm máu AB.

Không thể dựa vào nhóm máu A, B, O, AB để xác định chắc chắn 2 người có cùng huyết thống. Tuy nhiên một số trường hợp có thể xác định người không cùng huyết thống. Ví dụ, nếu cả bố và mẹ mang nhóm máu O thì con cái không thể mang nhóm máu A, B hoặc AB mà chỉ có thể mang nhóm máu O mà thôi. Ngược lại, cả bố và mẹ có nhóm máu AB thì con cái không thể có nhóm máu O mà chỉ có thể mang nhóm máu A, B hoặc AB mà thôi.

Các trường hợp kết hợp nhóm máu

Cha

Mẹ

Con

O

O

O

O

A

O, A

O

B

O, B

O

AB

O, A, B

A

A

O, A

A

B

O, A, B, AB

A

AB

A, B, AB

B

B

O, B

B

AB

A, B, AB

AB

AB

A, B, AB

Trường hợp cha mang nhóm máu O vẫn có thể sinh con nhóm máu B nếu mẹ là nhóm máu B hoặc AB. Có thể dựa vào nhóm máu để xác định quan hệ huyết thống nhưng cũng nhiều trường hợp đặc biệt cha mẹ nhóm máu A,B sinh con nhóm máu O.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cho đến nay việc xác định xem hai người có cùng hay không cùng huyết thống chủ yếu dựa vào xét nghiệm AND. Giám định ADN để xác định mối quan hệ huyết thống là phương pháp chính xác nhất hiện nay. Kết quả giám định ADN để xác định mối quan hệ huyết thống cho phép kết luận người bố (mẹ) nghi vấn có phải là người bố (mẹ) sinh học (bố/ mẹ ruột) hay không. Nếu hai mẫu ADN giữa con và bố (mẹ) nghi vấn trùng khớp với nhau hoàn toàn thì khả năng có cùng huyết thống bố (mẹ) ruột và con sẽ vào tỉ lệ từ 99,999% trở lên. Nếu hai mẫu giám định không trùng khớp từ 2 gen trở lên thì khả năng người bố (mẹ) nghi vấn 100% không phải bố (mẹ) ruột của con. Và chỉ có phương pháp này mới bảo đảm tính chính xác gần như tuyệt đối, là cơ sở khoa học vững chắc để bảo đảm tính pháp lý khi cơ quan hộ tịch có thẩm quyền ghi nhận quan hệ cha con hoặc quan hệ mẹ con với đứa bé. Muốn thực hiện được xét nghiệm này thì phải lấy mẫu máu, tóc của những người đó để xác định ADN. Như vậy, nếu chỉ muốn xác định 2 người có cùng huyết thống với nhau hay không thì chỉ cần lấy mẫu của hai người đó (tức là cha - con hoặc mẹ - con hoặc chị - em) mà thôi. Như vậy, văn bản của cơ quan y tế xác nhận quan hệ cha con hoặc quan hệ mẹ con thực chất Văn bản kết luận giám định AND của cơ quan thực hiện việc giám định.

Từ hai quan điểm trên cho thấy, bằng phương pháp “thử máu- phân tích nhóm máu” không bảo đảm tính chính xác khi cần xác định quan hệ huyết thống giữa họ là cha - con hoặc mẹ - con, mà chi có phương pháp giám định AND. Tính ưu việt của giám định gen là truy nguyên được cá thể người, xác định quan hệ huyết thống cha con, xác định hài cốt. Do vậy, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản giải thích văn bản của cơ quan y tế xác nhận quan hệ cha con hoặc quan hệ mẹ con theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP dựa trên cơ sở khoa học nào và cơ quan y tế cấp nào mới có thẩm quyền xác nhận.

Tương tự như vậy, văn bản xác nhận của cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước xác nhận quan hệ cha con hoặc quan hệ mẹ con. Cụ thể đó là cơ quan nào? Nội dung xác nhận gồm những gì?...Chẳng hạn, văn bản có sự xác nhận của Hội Cựu chiến binh và Hội Phụ nữ cấp xã nơi cư trú về trường hợp anh Trần C là cha ruột của cháu O mà hiện anh C đang nuôi dưỡng, từ khi mới sinh ra (do anh C với chị L lúc đó chưa đủ tuổi kết hôn, chị C bỏ đi khỏi địa phương từ khi cháu O mới được 15 ngày tuổi và hiện tại đã hoàn toàn mất liên lạc với chị C). Vậy, văn bản này có thuộc dạng Văn bản của cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước xác nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP không?

Trường hợp thứ hai: Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con, quan hệ mẹ con thông qua thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác để chứng minh và kèm theo văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng sẽ thiếu tính khả thi, vì: Bên cạnh ảnh chụp người cha bế đứa bé hoặc người mẹ bế đứa bé hay cả ba cùng chụp khi bé từ bệnh viện phụ sản về nhà,…hoặc đoạn video thể hiện cha, mẹ, ông bà hai bên và đứa bé trong ngày đón cháu về nhà ông Nội chẳng hạn, thì kèm theo văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người. Vậy, với trường hợp vì lý do nào đó, như: Người mẹ bị dụ dỗ bán ra nước ngoài; hoặc người cha phải thi hành án tử hình do phạm tội về ma túy;… thì làm sao có đủ hai người để viết giấy cam đoan. Tại sao không quy định có ít nhất 01 người (cha hoặc mẹ) viết cam đoan việc trẻ em là con chung của hai người? Mà phải là cả cha và mẹ? Ý tưởng của nhà làm luật bao giờ cũng hướng đến sự hoàn thiện và chặt chẽ, nhưng suy cho cùng, nếu vì sự chặt chẽ đến mức tướt đi quyền mà pháp luật công nhận cho đứa trẻ ấy cũng có cha, có mẹ như bao đứa trẻ bình thường khác, thì sự chặt chẽ ấy có thật cần thiết không? Nhà quản lý sẽ suy nghĩ thế nào, nếu như trong giấy khai sinh của đứa trẻ vô tội ấy, mà mục ghi thông tin về cha, mẹ của nó đều bị bỏ trống, trong khi người chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, theo dõi từng bước đi của nó khi đến trường hàng ngày chính là cha ruột của nó? Từ những suy nghĩ rất thực rất gần gũi với những đứa bé không may rơi vào hoàn cảnh đáng thương như thế, tác giả đề xuất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 11 của Thông tư 15/2015/TT-BTP theo hướngbổ sung điều kiện trong trường hợp đặc biệt có thể chỉ cần một người cha hoặc một người mẹ viết văn bản cam đoan, đứa trẻ ấy là con ruột của mình. Sau khi được sửa đổi, bổ sung, khoản 2 Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP được viết lại như sau:

“2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, trường hợp đặc biệt có thể chỉ có văn bản cam đoan của cha hoặc mẹ của đứa trẻ là con ruột của họ và có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.”

Nếu được như vậy, sẽ là “cơ hội” giải quyết cho nhiều trường hợp mà hiện tại hàng ngày đứa trẻ ấy sống chung với cha ruột của nó, được cha ruột nó nuôi dưỡng dạy dỗ nhưng về mặt pháp lý lại không phải là cha ruột của nó, bởi do điều kiện về tài chính không cho phép họ thực hiện giám định AND như pháp luật quy định. Và cũng từ sự sửa đổi, bổ sung như vừa đề xuất sẽ đơn giản hơn thủ tục kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con; Hướng dẫn đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 12; Điều 13 Thông tư 15/2015/TT-BTP.

ThS.LS Lê Văn Sua - Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang

[1] Mà theo đó, tại Điều 7 của Công ước này có quy định:

1. Trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi được sinh ra và có quyền có họ tên, có quốc tịch ngay từ khi chào đời, và trong chừng mực có thể, quyền được biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc.

2. Các Quốc gia thành viên phải bảo đảm việc thực hiện những quyền đó phù hợp với pháp luật quốc gia, với những nghĩa vụ của họ theo các văn kiện quốc tế có liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt trong trường hợp mà nếu không làm như thế thì đứa trẻ sẽ không có quốc tịch.

[2]Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

[3]Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.



Gọi ngay

Zalo